Chiều 22/11, Ban Nội chính Trung ương tổ chức cuộc họp thông báo kết quả cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (BCĐ).
Trả lời báo chí về việc nhận hối lộ tại các đoàn thanh tra, kiểm tra tại ngân hàng SCB, ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết: Các đoàn thanh tra, kiểm tra là những đoàn đại diện của các cơ quan có chức năng phát hiện và xử lý sai phạm. Đặc biệt thanh tra còn có chức năng chuyên trách chống tham nhũng, tiêu cực. Tất cả các đoàn thanh tra, kiểm tra đến giờ này theo phản ánh của kết luận điều tra thì dù ít dù nhiều có nhận tiền, quà, đặc biệt trưởng đoàn thanh tra nhận trên 5 triệu USD.
Theo ông Yên, quá trình điều tra để kết luận điều tra, vụ án đã được BCĐ theo dõi sát xao chặt chẽ, có hệ thống. Đặc biệt Đảng uỷ Công an trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát, Ban cán sự Đảng Toà án nhân dân tối cao, lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao phối hợp rất chặt chẽ trong lãnh đạo chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, nghiên cứu đánh giá phân tích đúng tính chất, mức độ, bản chất sai phạm.
Cũng theo ông Yên: Những trường hợp sai phạm và nhận tiền lớn đã rõ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã bị khởi tố, đề nghị truy tố. Một số đối tượng còn lại cân nhắc tính chất mức độ, nguyên nhân hoàn cảnh bối cảnh nhận tiền. Số tiền nhỏ, không có động cơ, nhận tiền vào lễ, tết. Nếu quy vào nhận hối lộ phải căn cứ vào đặc trưng và cấu thành của đưa hối lộ. Giữa đưa và nhận phải có cam kết thoả thuận làm cái gì đó để có lợi cho bên đưa, hoặc phải đem lại lợi ích cho bên đưa.
Trường hợp vi phạm trong đoàn kiểm tra đã được cân lên đặt xuống, phân tích đánh giá kỹ lưỡng. Có một số đối tượng rơi vào tình cảnh không có thoả thuận, không có cam kết, không có đòi hỏi, nhận tiền với số lượng ít, vào dịp lễ tết, bồi dưỡng nhận quà. Căn cứ vào chính sách hình sự, chủ trương của Đảng, chính sách nhân đạo giữa công-tội, bối cảnh thì một số trường hợp này không xử lý về mặt hình sự, nhưng xử lý nghiêm bằng hình thức khác là kỷ luật Đảng và hành chính. Đây là hình thức xử lý thấu tình đạt lý.
“Đến thời điểm này có thể khẳng định số tiền nhận hối lộ trên 5 triệu USD là lớn nhất từ trước đến nay”-ông Yên nói.
Đối với vụ Vạn Thịnh Phát có xử vắng mặt đối với các đối tượng đã truy nã, bỏ trốn hay không? ông Yên cho hay: Chủ trương xử lý cán bộ bỏ trốn truy nã đã được BCĐ chỉ đạo nhất quán. Đối với đối tượng là người Việt, quốc tịch Việt Nam có đủ căn cứ chứng minh rằng phạm tội, đủ căn cứ điều kiện đưa ra xét xử thì tiếp tục xét xử vắng mặt. Đây là chủ trương thống nhất, không chỉ vụ án này mà nhất quán với bất cứ đối tượng nào.
Về chủ trương phân hoá đối với các đối tượng trong vụ FLC như thế nào?, ông Yên cho biết: Chủ trương phân hoá đối tượng để xử lý trong các vụ án mà BCĐ theo dõi chỉ đạo đã được hình thành trong nhiều vụ án. Nổi bật là chủ trương phân hoá đối tượng xử lý trong các vụ án liên quan đến kit xét nghiệm của công ty Việt Á thì BCĐ đã có chủ trương. Hiện vụ án xảy ra tại lĩnh vực đăng kiểm thì sáng nay BCĐ tiếp tục thống nhất và giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương tiếp tục nghiên cứu để tham mưu ban hành và giao cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm soát tuân thủ thực thi pháp luật chủ trì việc ban hành. Trên cơ sở đó để hướng dẫn tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng trong toàn quốc áp dụng thống nhất dưới sự lãnh đạo toàn diện của BCĐ và các cấp uỷ tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo cơ quan này để bảo đảm chủ trương phân hoá được áp dụng đúng, không bị lợi dụng, lạm dụng, làm sai để bỏ lọt đối tượng, đảm bảo tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước. Đối tượng được phân loại nghiêm trị với người chủ mưu, cầm đầu, tích cực thực hiện hành vi phạm tội tới cùng.
“Sẽ xem xét phân hoá đối tượng, nếu như không có động cơ tham nhũng, tiêu cực trong vụ án, không có động cơ, mục đích thúc đẩy để hành vi phạm tội tiếp tục xảy ra và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ được nghiên cứu để phân hoá, ví như người làm công hưởng lương lệ thuộc, phụ thuộc hoàn toàn vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng. Có trường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội nhưng ở thời điểm đó không biết rằng hành vi của mình là vi phạm, rồi trường hợp chủ động khắc phục hậu quả, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong phát hiện điều tra xử lý, hoặc lập công lớn thì các trường hợp này đã được quy định trong chính sách hình sự. Chúng ta đã có kinh nghiệm rồi”-ông Yên cho hay.