Thực hiện kiến nghị tại Kết luận số 1113/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ, Sở Xây dựng Thái Nguyên đã có rà soát và cho rằng: Dự án được phê duyệt là “không trái thẩm quyền”.
Theo Báo cáo số 2311/BC-SXD (ngày 27/7/2021) về việc rà soát quá trình thực hiện các dự án thuộc “Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu ở Thái Nguyên” (hơn 18 nghìn tỷ). Dựa trên những nội dung kết luận của Tổng Thanh tra Chính phủ thì mỗi bên đều đã có cách vận dụng các quy định pháp luật khác nhau.
Thanh tra Chính phủ kết luận: “Với quy mô và tổng mức đầu tư dự kiến đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua thì theo Luật Đầu tư công, Dự án thuộc nhóm A, thẩm quyền quyết định đầu tư thuộc Thủ tướng Chính phủ” thì văn bản báo cáo của Sở Xây dựng Thái Nguyên đã lập luận: Tại thời điểm lập đề xuất dự án, theo quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP (ngày 14/2/2015) của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP, không có quy định về chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư mà chỉ có quy định về thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án. Với đề xuất dự án BT thuộc nhóm A, trước khi UBND tỉnh phê duyệt đề xuất dự án thì cần có quyết định chủ trương sử dụng vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án của Thủ tướng Chính phủ (theo Luật Đầu tư Công năm 2014).
Đoàn Thanh tra cho rằng: “UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định số 2910/QĐ-UBND phê duyệt đề xuất Dự án (nhóm A) trái thẩm quyền, không phù hợp với Nghị quyết 17/NQ-HĐND” thì Sở Xây dựng Thái Nguyên bác lại: Theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP thì “Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định và phê duyệt đề xuất dự án nhóm A, B và C” nên UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt đề xuất dự án là “không trái thẩm quyền” mà chỉ là phê duyệt “khi chưa được thông qua” chủ trương sử dụng vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án.
Tương tự, Thanh tra Chính phủ kết luận: Việc UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua chủ trương đề xuất Dự án là không phù hợp với Nghị định 15/2015/NĐ-CP về “sử dụng vốn nhà nước tham gia dự án” không giải phóng mặt bằng cho các dự án hoàn vốn dự án BT, không thực hiện vốn đầu tư công để giải phóng mặt bằng cho các dự án khác… Sở Xây dựng Thái Nguyên cho rằng: Nghị định 15/2015/NĐ-CP không quy định rõ về việc sử dụng vốn nhà nước thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng là chỉ cho dự án BT hay cho cả dự án khác. Tại khoản 5, Điều 3 Nghị định 15/2015/NĐ-CP quy định “hợp đồng BT” là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện dự án khác…”; tại Điều 5 Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT. Do tại thời điểm đề xuất thực hiện dự án chưa rõ các quy định về bố trí vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án khác nên đã xác định nguồn vốn nhà nước thực hiện dự án bao gồm cả nguồn vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng cho cả dự án khác để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.
Về việc chuyển dự án nhóm A thành Đề án (9 dự án nhóm B) Thanh tra Chính phủ cho rằng: Không có quy định về việc chuyển Dự án PPP thành Đề án PPP cũng như không có quy định về việc phê duyệt Đề án PPP gồm có các Dự án PPP thành phần. Việc thay đổi khái niệm trong đầu tư để phù hợp với thẩm quyền quyết định là thiếu căn cứ pháp luật. Việc chưa lập và trình thẩm định phê duyệt đề xuất dự án là không phù hợp với quy định Luật Đầu tư công… thì Sở Xây dựng Thái Nguyên cho rằng: Theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Nghị định 15/2015/NĐ-CP không có quy định về việc chuyển Dự án PPP thành Đề án PPP cũng như không có quy định về việc phê duyệt Đề án PPP gồm có các Dự án PPP thành phần. UBND tỉnh xây dựng Đề án hoặc Chương trình làm cơ sở để xác định các dự án sẽ đầu tư theo hình thức PPP là có cơ sở. Sau khi Đề án được phê duyệt đã xác định được 9 dự án để đầu tư theo hình thức PPP và triển khai các thủ tục tiếp theo.
Những viện dẫn mà Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên “bác lại” Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã cho thấy, nếu việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật, vận dụng không chính xác của các cơ quan chuyên môn sẽ bị hiểu sai, thực hiện sai và gây hoang mang dư luận.
Một vấn đề nữa được đặt ra là trong quá trình Đoàn Thanh tra của Thanh tra Chính phủ làm việc, rồi có bản dự thảo thì các đơn vị được thanh tra đã có ý kiến “giải trình” gì với những vấn đề này hay không.
Được biết, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Tờ trình của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc bãi bỏ Nghị quyết số 17/NQ-HĐND (ngày 12/8/2016) và Nghị quyết số 25/NQ-HĐND (ngày 27/10/2017) về những vấn đề liên quan đến “đề án sông Cầu”.