Sớm cải tổ hệ chuyên

Đặng Tự Ân 15/07/2020 07:45

Tuy nói là đào tạo toàn diện, nhưng thực chất hệ chuyên là “dạy chuyên” và “học chuyên”, chỉ chuyên sâu vào một môn học, đơn chuyên. Bản chất là trường chuyên biệt, là tập trung nguồn lực dạy đơn chuyên.

Giáo dục toàn diện giúp học sinh phát triển kỹ năng và năng lực
Giáo dục toàn diện giúp học sinh phát triển kỹ năng và năng lực. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Không còn phù hợp

Trước đây, trường chuyên, lớp chọn (sau đây gọi tắt là hệ chuyên) được thành lập ở cả ba cấp: Tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT). Tuy nhiên, theo Nghị quyết 02-NQ-HNTW ngày 24/12/1996 của Ban chấp hành Trung ương, Bộ GDĐT quy định các địa phương chỉ được mở hệ chuyên ở cấp THPT.

Chỉ tính riêng đội tuyển toán dự thi Olympic quốc tế, tính từ năm 1974 đến nay đã giành được 236 huy chương các loại, trong đó có 60 huy chương vàng. Trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, học sinh hệ chuyên đã mang về nhiều giải cho các địa phương. Những học sinh giỏi trong đội tuyển thi quốc gia và quốc tế, có thành tích cao được tuyển thẳng vào các trường đại học. Ngoài ra, tỷ lệ trúng tuyển vào các trường ĐH hằng năm của hệ chuyên rất cao.

Hệ chuyên ở các địa phương được dành ưu ái, đầu tư tốt nhất về con người, cơ sở vật chất cũng như các chế độ học bổng, khen thưởng giáo viên và học sinh. Tính đến nay, có gần 70% các trường chuyên trong toàn quốc đạt chuẩn quốc gia. Dẫu thế, những mặt được cơ bản của giai đoạn trước, tới nay lại là những bất hợp lý, không còn phù hợp của hệ chuyên. Đó là một nghịch lý tất yếu mà giáo dục phải đối đầu. Rất cần thay đổi.

Tuy nói là đào tạo toàn diện, nhưng thực chất hệ chuyên là “dạy chuyên” và “học chuyên”, chỉ chuyên sâu vào một môn học, đơn chuyên. Bản chất là trường chuyên biệt, là tập trung nguồn lực dạy đơn chuyên. Mà chính là cái mục tiêu bất thành văn, không rõ ràng đã dẫn dắt hệ chuyên chạy theo các mục tiêu trước mắt, không vì lợi ích lâu dài của thế hệ trẻ.

Vô hình trung đây lại được coi là xu hướng tới mức sùng bái của nhiều nhà trường, nhiều phụ huynh và toàn xã hội. Có giai đoạn thi học sinh giỏi cấp quốc gia ở TH, THCS và THPT, khiến các trường phổ thông quay cuồng luyện thi, lấy hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi làm nhiệm vụ hàng đầu. Vấn nạn tiêu cực dạy thêm, học thêm cũng từ đây mà nở rộ, tràn lan, rất khó ngăn cản. Có chuyên gia giáo dục đã bức xúc, mạnh dạn phát biểu: Giải tán hệ chuyên sẽ hết dạy thêm, học thêm.

Tuy có một bộ phận học sinh trưởng thành, nhưng một bộ phận lớn khác lại trở thành những chú “gà công nghiệp”, con “mọt sách”, thiếu sức khỏe, thiếu kỹ năng sống, hạn chế ngoại ngữ, khó hòa nhập xã hội, ít tiếp cận với phẩm chất công dân toàn cầu. Mặt khác, trong khoảng 10 năm trở lại đây hệ chuyên đã bộc lộ những bất cập, ngay cả chính nội tại. Nhiều vấn đề thật khó tìm ra lối thoát. Sức hút của du học, cùng với hấp dẫn của các trường tư, trường quốc tế, vốn rất coi trọng giáo dục nhân cách, phát triển con người toàn diện, đã làm cho một bộ phận phụ huynh muốn rời bỏ hệ chuyên.

Đã từ lâu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa hệ chuyên chưa được ban hành chính thức. Nhiều học sinh học giỏi lại không muốn vào học các trường Sư phạm, điều này đồng nghĩa mất hi vọng có giáo viên bổ sung vào hệ chuyên. Đối với các khối chuyên khoa học xã hội vừa khó tuyển sinh lại vừa khó tìm giáo viên giảng dạy. Có thể nói, đã đến lúc không hợp thời của hệ chuyên ở Việt Nam.

Thiết kế lại hệ chuyên

Nghị quyết số 29-NQ-TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương chỉ ra “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học”. Đây được coi là quan điểm chỉ đạo, hay được hiểu như là triết lý đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam. Như vậy, nội dung dạy học, phương pháp dạy học và đánh giá người học phải thay đổi, phù hợp với triết lý giáo dục mới. Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Không dạy kiến thức chuyên sâu, mà thay vào đó là cung cấp kiến thức vừa đủ, giúp các em thuận lợi trong việc phát triển năng lực làm việc cùng các kỹ năng sống, kỹ năng xã hội. Học là để phát triển cá nhân, thành người có nhân cách và biết làm việc hiệu quả, sáng tạo.

Hệ chuyên, chắc chắn không thể có con đường đi nào khác so với những quan điểm đã nêu trên. Theo chúng tôi, hướng đi cho hệ chuyên, có thể là: Thiết kế lại hệ chuyên. Dạy học đổi mới là dạy học hướng tới người học. Theo đó, việc tổ chức quá trình dạy học phải đi theo các nguyên lý cơ bản của giáo dục hiện đại. Dạy học qua hoạt động và qua trải nghiệm. Dạy học sinh cách học, cách sáng tạo và cách sống, cách làm người. Phát triển cho học sinh các năng lực tự học, phán đoán, hợp tác, giao tiếp và công nghệ.

Tiếp đó là việc thay đổi lại phương thức thi cho hệ chuyên. Không thể duy trì cách tổ chức và nội dung thi học sinh giỏi quốc gia như hiện nay, nó quá đi sâu vào học thuật. Chúng ta đã từng tổ chức thi “Đường lên đỉnh Olympia” - kỳ thi trí tuệ, kiến thức toàn diện; thi Olympic “Phát minh và Sáng chế” - kỳ thi năng lực làm việc và sáng tạo; thi Olympic “Robot Lego” hay “Robocon” - kỳ thi năng lực ứng dụng. Hiện nay, các trường phổ thông của Việt Nam đã chủ động giao lưu, tổ chức nhiều cuộc thi giữa học sinh các nước trong khu vực và quốc tế. Qua đây cho ta điều kiện tốt nhất củng cố và nâng cao chất lượng học tập, đặc biệt có thêm trải nghiệm trong việc giáo dục phẩm chất công dân toàn cầu cho học sinh Việt Nam.

Không bỏ mà cần tiếp tục tham gia các kỳ thi Olympic khoa học quốc tế. Tuy nhiên nhiệm vụ này nên giao cho số ít các trường ĐH thực hiện. Quan điểm này phù hợp với nhiều nước, ngoài ra, giai đoạn khởi đầu của hệ chuyên Việt Nam cũng đã từng làm vậy.

Có thể khẳng định, cần đổi mới toàn diện nếu không nói là cải tổ hệ chuyên ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sớm cải tổ hệ chuyên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO