Sớm định hướng nghề nghiệp cho sinh viên

Hàn Minh 30/06/2020 08:30

Theo GS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý Châu Á -Thái Bình Dương, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cần định hướng nghề nghiệp cho SV từ sớm, tập trung tư vấn về yêu cầu từng công việc, nghề nghiệp; đồng thời, chú trọng phản hồi về chương trình đào tạo và dịch vụ tư vấn việc làm hơn là “có việc làm hay chưa”.

90% sinh viên (SV) tìm được việc làm trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp. Đây là kết quả khảo sát được thực hiện bởi dự án “Tăng cường năng lực giáo dục đại học (ĐH), thúc đẩy đầu ra cho SV” (EVENT) do Quỹ ERAMUS, Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý Châu Á -Thái Bình Dương, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, khảo sát sử dụng phương pháp chuẩn mực của châu Âu, tiến hành chọn mẫu ngẫu nhiên từ danh sách SV tốt nghiệp năm 2016 của các trường ĐH Việt Nam, thuộc 20 chuyên ngành cụ thể. Sau đó, tích cực liên hệ khảo sát online, kết hợp gọi điện thoại, diễn ra liên tục nhiều tháng.

Một trong những khó khăn được ghi nhận đó là làm sao tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn và kỳ vọng của SV chứ không phải một công việc bất kỳ.

Thực tế hiện nay Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT quy định về việc thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục ĐH, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm, trong đó có hoạt động công khai tỷ lệ có việc làm của SV chính quy sau 1 năm ra trường.

Trong mùa tuyển sinh vài năm trở lại đây, nhiều trường đã thực hiện công khai tỉ lệ này với các con số “đẹp như mơ”. Đơn cử như ĐH Bạc Liêu, đại đa số SV tốt nghiệp năm 2018 qua khảo sát đã có việc làm ổn định.

Cụ thể, trong tổng số 642 SV được khảo sát thì có 554 SV đã có việc làm sau 1 năm, chiếm tỷ lệ 86,3%. Số SV đang tiếp tục học nâng cao là 2 SV. Số SV chưa tìm được việc làm là 86 SV, chiếm tỷ lệ 13,4%.

Đáng chú ý, trong số 554 SV có việc làm thì có khoảng trên 60% SV làm việc đúng với chuyên ngành được đào tạo còn gần 40% làm ở các vị trí không phù hợp với chuyên ngành được đào tạo.

Con số này một phần phản ánh được sự thích ứng rất nhanh của sinh viên trước đòi hỏi của thực tế song cũng cho thấy việc đào tạo của nhà trường đang có độ vênh với nhu cầu của thị trường, có thể ở số lượng hoặc chất lượng SV…

Một nguyên nhân nữa đó là do người học chọn sai ngành học nên khi tốt nghiệp, va vấp vào thực tế mới nhận ra mình không phù hợp với công việc này.

Đây cũng là lý do vì sao trong mỗi mùa tuyển sinh, vấn đề tư vấn, hướng nghiệp luôn được đặt ra riết ráo nhằm giúp các thí sinh nhận thức rõ mình muốn gì, mình có thể làm được gì.

Bởi từ kinh nghiệm của những người đi trước cho thấy, nếu chọn nghề sai sẽ phải trả giá đắt không chỉ về mặt thời gian, công sức, tiền bạc mà còn có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội quan trọng khác của bản thân.

Từ đây, GS. TS Nguyễn Văn Thắng đề xuất cần định hướng nghề nghiệp cho SV từ sớm, tập trung tư vấn về yêu cầu từng công việc, nghề nghiệp; đồng thời, chú trọng phản hồi về chương trình đào tạo và dịch vụ tư vấn việc làm hơn là “có việc làm hay chưa”. Đây mới là cơ sở để ĐH tiếp tục cải tiến, để hoạt động đào tạo và hướng nghiệp, hỗ trợ SV thực chất hơn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh SV, Bộ GDĐT cho biết Bộ đang triển khai soạn thảo Thông tư quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục; trong đó quy định các trường ĐH nghiên cứu, sắp xếp lại đơn vị/bộ máy hiện có để thành lập Trung tâm/ bộ phận hướng nghiệp, tư vấn việc làm, khởi nghiệp cho học sinh, SV. Dự kiến, tháng 11/2020 sẽ ban hành Thông tư này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sớm định hướng nghề nghiệp cho sinh viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO