Ngày 7/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Nhà Quốc hội, đồng thời kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước. Dự hội nghị còn có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu.
Báo cáo về những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 19 luật, nghị quyết, quy định những nội dung rất quan trọng. Đặc biệt, đối với việc triển khai Luật Đất đai, ông Định đề nghị khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định về các nội dung Luật giao Chính phủ, các bộ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Liên quan đến công tác giám sát việc triển khai Luật Đất đai, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng để Luật sớm đi vào cuộc sống, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh, tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV vừa qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, sự đổi mới phương pháp, tăng cường trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trình dự án Luật, Quốc hội đã thảo luận, thông qua nhiều dự án Luật quan trọng, tác động trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, được nhân dân quan tâm và kỳ vọng.
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu, MTTQ Việt Nam đã dành công sức, tâm huyết tham gia góp ý kiến, phản biện khá tốt dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản; dự thảo Luật Nhà ở và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời gửi nội dung phản biện gửi tới Chính phủ, UBTVQH, các cơ quan chủ trì soạn thảo. Các ý kiến phản biện của MTTQ Việt Nam đã được nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc và được đưa vào hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Bà Tô Thị Bích Châu cũng cho rằng, các văn bản pháp luật mới được thông qua, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều quy định mới. Theo đó, cần được quan tâm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến đông đảo cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân hiểu để thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành các Nghị định liên quan để hướng dẫn Luật; các bộ, cơ quan ngang bộ sớm ban hành các thông tư và văn bản hướng dẫn để đảm bảo có đầy đủ các văn bản pháp lý để triển khai thực hiện khi các Luật mới được thông qua có hiệu lực.
Liên quan đến một số nhiệm vụ chủ yếu về tham gia ý kiến góp ý, phản biện xã hội đối với quy trình xây dựng luật và giám sát thực thi pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam từ nay đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu cho biết, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc phản biện xã hội đối với các dự án Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7, tập trung vào phản biện xã hội đối với 2 dự án Luật: Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Đồng thời, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điều chỉnh về hoạt động từ thiện, nhân đạo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 9 luật và 11 nghị quyết quan trọng, có tác động sâu rộng đến xã hội và chính sách kinh tế vĩ mô của đất nước, có ý nghĩa không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024, 2025, mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, với việc thông qua Luật Đất đai, Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ.
Để triển khai hiệu quả công tác thi hành pháp luật, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Quốc hội, UBTVQH tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định trong luật, nghị quyết; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội; phân công cơ quan của Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thẩm tra kỹ lưỡng đối với báo cáo của Chính phủ, các cơ quan về việc thực hiện yêu cầu trong luật, nghị quyết, báo cáo Quốc hội xem xét, thảo luận trong trường hợp cần thiết. Các cơ quan của Quốc hội chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ và đôn đốc các cơ quan thực hiện kịp thời.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường thứ 5 được nêu cụ thể trong báo cáo của UBTVQH. Sớm ban hành Danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 5 và phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo, gắn với thời hạn hoàn thành...
Đặc biệt, phải tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, sau khi kết thúc các kỳ họp của Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các luật, nghị quyết đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các Kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Ở một số địa phương cũng đã và đang nghiên cứu để ban hành văn bản riêng chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết, trong đó dự kiến phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành hữu quan để triển khai thực hiện sâu rộng đến nhân dân tại cơ sở.