Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS. TS Phạm Hữu Nghị, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là nội dung được xác định có tác động trực tiếp đến hiệu quả khai thác tiềm năng đất đai nhằm phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, do đó Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần được rà soát kỹ các quy định về nội dung này để có phương án chỉnh sửa phù hợp với tình hình hiện nay.
PV: Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là tư tưởng chủ đạo và xuyên suốt trong quá trình sửa đổi, bổ sung, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo ông, nên thay đổi hoặc giữ nguyên các nguyên tắc đã được quy định trong Luật Đất đai năm 2013 để hoàn thiện trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)?
PGS. TS Phạm Hữu Nghị: Có thể nói, từ thực tiễn công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn trước đã cho thấy tính kém khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chưa đáp ứng được các yêu cầu khách quan của thực tế cuộc sống. Khắc phục tình trạng này, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định cụ thể, chi tiết về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; theo đó việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dù ở cấp nào cũng phải quán triệt 8 nguyên tắc đã được quy định trong luật.
Trong đó, tại khoản 2, Điều 35 Luật Đất đai năm 2013 có nêu nguyên tắc “Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng kinh tế - xã hội”. Theo tôi, nguyên tắc này cần được giữ lại trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bởi nước ta có diện tích trải dài trên nhiều vĩ độ, mỗi vùng có những đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, từ đó công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải tính đến yếu tố này để phát huy thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Tiếp đó, yếu tố liên kết vùng kinh tế - xã hội không thể không tính đến để ngăn ngừa xu hướng địa phương chủ nghĩa, vì lợi ích của địa phương mình mà phá vỡ sự liên kết kinh tế - xã hội trong bối cảnh giao lưu kinh tế - xã hội giữa các vùng và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.
Bên cạnh đó, Điều 35 Luật Đất đai năm 2013 còn nêu một nguyên tắc nữa, đó là “Bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh” được quy định tại khoản 5. Chúng ta đều biết, nước ta là một quốc gia có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đây cũng là thế mạnh của đất nước. Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cần được giữ gìn, tôn tạo tạo tiền đề để phát huy các giá trị của chúng, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Thời gian vừa qua, việc một số di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh bị xâm hại đang gióng lên hồi chuông báo động, bởi vậy, theo tôi nên giữ nguyên tắc này trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thể hiện sự bảo đảm quyền tham gia vào các công việc của Nhà nước của công dân, góp phần vào việc bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch của hoạt động quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quan điểm của ông như thế nào về tính khả thi của các quy định này trong Luật Đất đai năm 2013?
- Với các quy định như trong Luật Đất đai năm 2013, tôi nhận thấy các quy định lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn mang nặng tính hình thức. Có nhiều vấn đề được đặt ra, đó là: Ai là người được lấy ý kiến? Người dân nói chung hay người đại điện cho dân? Ai là người đại diện cho dân? Người dân là người chịu sự tác động trực tiếp của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất? Vai trò của các chuyên gia, các luật sư như thế nào trong quá trình lấy ý kiến nhân dân?
Ngoài hai hình thức lấy ý kiến thông qua công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử và tổ chức hội nghị lấy ý kiến thì còn hình thức nào nữa không? Nếu tổ chức hội nghị thì cách thức chuẩn bị, nêu vấn đề, tổ chức thảo luận, góp ý kiến, tập hợp ý kiến như thế nào để hội nghị có chất lượng, không mang tính thủ tục thuần túy. Rồi có lấy ý kiến bằng cách bỏ phiếu không? Bao nhiêu phần trăm người được hỏi tán thành thì cần đưa vào nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất? Trong trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến không giải trình thì có phải chịu trách nhiệm gì không? Tôi hy vọng, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ quy định chi tiết các vấn đề tôi nêu ra để việc lấy ý kiến nhân dân có tính thiết thực và hiệu quả cao hơn.
Vậy các quy định về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai năm 2013 cũng cần được sửa đổi, bổ sung như thế nào để hoàn thiện hơn trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thưa ông?
- Theo tôi, quy định về rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cần thiết, tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về cơ quan chịu trách nhiệm rà soát; tiêu chí, căn cứ của việc rà soát. Vừa qua, có tình trạng điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất diễn ra rất phổ biến làm phương hại đến lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia. Bởi vậy, các quy định về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần cụ thể, chặt chẽ hơn để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng trên.
Để hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trở thành phổ biến, trong không ít trường hợp điều chỉnh quy hoạch gắn với lợi ích nhóm, từ đó làm mất tính ổn định của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định về các nguyên tắc và việc lấy ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có các nguyên tắc thì việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng phải có các nguyên tắc. Có thể áp dụng các nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như là các nguyên tắc của việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng là cơ chế nhằm ngăn ngừa nhóm lợi ích tác động vào việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vì lợi ích riêng để trục lợi.
Trân trọng cảm ơn ông!