Sớm rà soát việc xuất bản sách tham khảo

Đặng Tự Ân 14/09/2020 08:42

Thực tế SGK lớp 1 năm học 2020- 2021 có 9 cuốn, trong đó có một cuốn tự chọn, tuy nhiên trên thị trường có tới 14 cuốn sách tham khảo (STK). Rõ ràng chúng ta đã thả nổi xuất bản STK quá lâu, dẫn tới trình trạng “loạn” sách…

Cần sớm rà soát lại việc xuất bản sách giáo khoa, sách tham khảo.

Theo Luật Xuất bản thì mọi cá nhân và tổ chức có quyền phổ biến tác phẩm của mình và nhà nước không có quyền kiểm duyệt trước khi xuất bản. STK cũng là tác phẩm của các cá nhân nên cũng có quyền được viết và được duyệt in ở một nhà xuất bản (NXB) có tư cách pháp nhân.

Rõ ràng, hệ thống STK cùng với hệ thống sách giáo khoa (SGK) tạo thành kho tư liệu quý, giúp cho giáo viên và học sinh ở các nhà trường có thêm điều kiện để dạy tốt và học tốt. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa việc xuất bản STK thả nổi, được phép thoải mái, “trăm hoa đua nở”, ai ai cũng viết và nhà nhà cùng xuất bản.

Thực tế hiện nay có Phòng Giáo dục và Đào tạo hay có nhà trường cũng là nơi gián tiếp hay trực tiếp phát hành SGK và STK. Như nhiều người biết, phát hành phí hay tiền chiết khấu bán sách thường có tỷ lệ phần trăm cao, nên rất hấp dẫn cho hoạt động phát hành này. Một số nơi để cho “thuận tiện” , nhà sách thường bó lại SGK và STK thành một túi và gọi chung là bộ sách dành cho lớp 1, cứ thế người mua trả tiền và nhận sách mang về. Chính vì thế mới xảy ra một số phụ huynh ở TP. Hồ Chí Minh đã phải mua cho con bộ sách lớp 1 với 23 cuốn gồm SGK và cả STK.

Thiết nghĩ các nhà trường nên đứng ngoài khâu phát hành STK. Hiệu trưởng nhà trường chỉ cần công khai cụ thể những cuốn SGK đã được quyết định lựa chọn để giảng dạy cho lớp 1 và khẳng định trong toàn trường: đây là SGK bắt buộc để học sinh mua làm học liệu chính thức học tập. Ngược lại những STK và các bộ SGK khác do nhà trường chọn lại cần được nhà trường mua đầy đủ và mua bổ sung thường xuyên vào thư viện nhà trường, nhằm dùng chung cho giáo viên và học sinh tham khảo trong quá trình dạy và học.

Quả thực thì hệ thống STK là kênh thông tin giúp cho giáo viên soạn giảng và hỗ trợ trong quá trình dạy học. Đối với học sinh, sách bài tập (thực chất là vở bài tập) giúp học sinh thực hành, rèn kỹ năng sau khi đã học các bài trong SGK trên lớp. Cha mẹ học sinh dùng STK để hướng dẫn thêm khi con em mình đã hoàn thành xong nhiệm vụ học tập theo SGK. Tuy nhiên mỗi nhà trường tuyệt đối không được lạm dụng STK nhất là đối với học sinh lớp 1, vốn được coi “học mà chơi, chơi mà học”.

Để tránh tình trạng “loạn” STK từng đã xảy ra với chương trình giáo dục cũ (sách nâng cao, sách luyện thi, sách ôn tập theo tuần, sách luyện tập theo chủ đề…được xuất bản và phát hành tràn lan). Có những tác giả, do có sức hấp dẫn với giáo viên và học sinh, nên đứng tên chủ biên nhiều cuốn sách, bộ sách khác nhau, mặc dù nội dung na ná giống nhau. Nhiều NXB phát hành nhiều đầu sách khác nhau với cùng một chủ đề.

Tôi đã từng mua một số lớn STK ôm về ngồi đọc, rất buồn là chỉ giữ lại một số cuốn tính trên dầu ngón tay. Đa phần là sách viết với chất lượng không đạt, nhiều cuốn sao chép sách đã phát hành hoặc bổ sung, thêm bớt những cuốn đang ăn khách.

Phải nói thị trường STK một thời bỏ mặc không được quản lý, dẫn đến áp lực lên học sinh, tạo ra tình trạng quá tải ở các nhà trường, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.

Thực trạng cũ vẫn còn nóng hổi và sẽ là hồi chương cảnh tỉnh cho các cấp quản lý và xã hội sớm có những quyết sách mạnh mẽ để lập lại trật tự việc xuất bản, phát hành và sử dụng STK ngay từ thời điểm bắt đầu thay SGK lớp 1, nếu không sẽ là quá muộn và e sẽ lại bước theo vết xe cũ.

Cùng với đó, nên rà lại việc xuất bản, phát hành và sử dụng SGK, STK theo chương trình giáo dục làm cơ sở cho việc quản lý thị trường SGK, STK theo chương trình giáo dục sau 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sớm rà soát việc xuất bản sách tham khảo