Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông đề nghị các địa phương phản hồi bằng văn bản trước ngày 13/10. Trong đó kiến nghị về thời gian bắt đầu thực hiện, ga đón, trả khách... Đồng thời có ý kiến cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các địa phương, đường sắt và thống nhất các quy định, nhất là về giấy tờ, biểu mẫu để không quá phức tạp, dễ triển khai.
Bộ GTVT vừa họp trực tuyến với các địa phương về kế hoạch dự kiến vận tải hành khách bằng đường sắt.
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, Cục đã xây dựng kế hoạch tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải bằng đường sắt gửi 24 UBND tỉnh, thành phố xin ý kiến. Nhưng đến ngày 8/10, Cục mới nhận được phản hồi của Đà Nẵng và Quảng Trị nhất trí với dự thảo kế hoạch. Còn tại văn bản số 3379, UBND TP Hà Nội tiếp tục khẳng định quan điểm dừng vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội và đề nghị các bước chuẩn bị điều kiện cần thiết trước khi hoạt động trở lại.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long: Hà Nội cần thời gian để tiêm phủ 2 mũi vaccine cho người dân. Khi nào đủ điều kiện để mở lại vận tải hành khách bằng đường sắt trên địa bàn sẽ thông báo với Cục Đường sắt Việt Nam.
Đồng quan điểm với Hà Nội, lãnh đạo Hải Phòng và Hải Dương cũng cho rằng cần lùi thời gian thực hiện kế hoạch để tiêm phủ vaccine. Mặt khác, Hà Nội mở lại thì người dân trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng mới đi lại được bằng tàu. Đối với tuyến đường sắt Hà Nội -TP HCM, nhiều tỉnh như TP HCM, Đồng Nai, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Bình... thống nhất mở lại vận tải hành khách đường sắt nhưng cũng có địa phương chưa đồng ý hoặc đồng ý với dự thảo kế hoạch nhưng đề nghị lùi thời gian bắt đầu chạy tàu. Do vậy cũng chưa thể mở lại chạy tàu khách trên các tuyến.
Về điều kiện khách đi tàu, nhiều địa phương đề nghị phải quy định chặt chẽ như đối với hành khách đi máy bay. Cụ thể, khách phải tiêm đủ 2 mũi vaccine và mũi cuối đã qua 14 ngày, hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và phải có giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh trong vòng 72 tiếng; Phải khai báo y tế đầy đủ, có cam kết (theo mẫu biểu) về thực hiện các quy định phòng dịch; Cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày hoặc quy định y tế bắt buộc của địa phương nơi đến.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy không phù hợp với đối tượng khách đi tàu vì đây chủ yếu là người có thu nhập thấp. Mặt khác, người từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê đa số chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM nhấn mạnh, hiện nay rất cần thiết mở lại tàu khách đưa người dân về quê và đón người dân có nhu cầu quay lại khu vực miền Nam để lao động. “Thành phố tạo điều kiện thuận lợi nhất để đưa đón người dân di chuyển đi, đến các nhà ga trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên cần phải xem xét điều kiện y tế đối với hành khách, nếu đưa ra tiêu chí như với hàng không thì rất khó”, ông Lâm nói.
Cho rằng các địa phương cần sớm thống nhất phương án chạy lại tàu khách vì như vậy an toàn hơn rất nhiều so với việc người dân tự đi xe máy, xe đạp về quê, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh: Rõ ràng đi xe máy sẽ nguy hiểm và không loại trừ vẫn bị lọt những người đã nhiễm virus. Vì thế vẫn tồn tại nguy cơ lây nhiễm cao và mất ATGT, tạo ra vấn đề ANTT cho chính các địa phương khi dòng người đi qua địa bàn. “Để tạo thuận lợi cho người dân, nên chăng chỉ quy định người đã tiêm 1 mũi vaccine 14 ngày và xét nghiệm âm tính là được đi tàu. Cùng đó, trên tàu phân ra toa chở người tiêm đã tiêm 1 mũi, toa chở người đã tiêm 2 mũi... để dễ kiểm soát, phòng lây nhiễm”, ông Hùng đề xuất.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đường sắt đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, phương tiện và các điều kiện về phòng dịch theo quy định. Tuy nhiên, để chạy lại cũng cần phải có thời gian truyền thông, bán vé.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, vận tải hành khách đường sắt đã dừng hoạt động từ ngày 25/8. Doanh nghiệp này đã sẵn sàng chạy lại tàu khách từ ngày 1/10 với mỗi tuyến 1 đôi tàu và tăng dần nếu điều kiện cho phép.
Ông Mạnh nhận định, nhu cầu người dân đi tàu hỏa từ các tỉnh phía Nam là đông và tàu hỏa phù hợp với người thu nhập thấp, người khó khăn, người già, phụ nữ mang thai và có thể chuyên chở cả xe máy. Tuy nhiên, với tuyến đường sắt Hà Nội -TP HCM đi qua 39 ga tại 22 tỉnh, thành phố, nếu dừng, đỗ đón trả khách kiểu “xôi đỗ” thì Tổng công ty Đường sắt phải cân nhắc để đảm bảo hiệu quả chạy tàu.
Trước ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đề nghị việc mở lại tàu khách trên các tuyến cần phải được thống nhất thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc tạo điều kiện đưa người dân về quê, không để tự phát.
Ông Đông đề nghị các địa phương phản hồi bằng văn bản trước ngày 13/10. Trong đó kiến nghị về thời gian bắt đầu thực hiện, ga đón, trả khách... Đồng thời có ý kiến cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các địa phương, đường sắt và thống nhất các quy định, nhất là về giấy tờ, biểu mẫu để không quá phức tạp, dễ triển khai.
Trên cơ sở ý kiến các địa phương, bộ sẽ hoàn thành dự thảo kế hoạch vào ngày 15/10 để báo cáo Chính phủ.