Sông Đakrông, đoạn qua thôn AVương, xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị) đang bị băm nát bởi hoạt động khai thác cát, sỏi.
Lòng sông Đakrông qua địa bàn xã Tà Rụt bị đào thành các hố sâu. Ảnh Thanh Tùng.
Ông La Lay Kham, Trưởng Công an xã Tà Rụt cho biết, cử tri địa phương nhiều lần phản ánh việc khai thác cát, sỏi ở sông Đakrông đã làm ảnh hưởng đến đất đai canh tác và sạt lở bờ sông. Ngoài ra, doanh nghiệp được tỉnh cấp phép khai thác cát xây dựng ở lòng sông Đakrông còn có dấu hiệu khai thác vàng.
Ngày 17/10, chúng tôi có mặt tại đoạn sông Đakrông chảy qua địa phận thôn A Vương, xã Tà Rụt và ghi nhận lòng sông đang bị đào khoét tơi tả. Có vị trí bị khoét sâu và rộng như một cái ao ở giữa dòng chảy. Từ trên cao nhìn xuống, cả khúc sông dài nham nhở, đầy hố hục. Tại đây có một tàu cuốc, máy đào và một máy xúc xổ của Công ty TNHH xây dựng số 9. Tranh thủ lúc công nhân nghỉ trưa, một người phụ nữ cần mẫn móc đất cát trong máy xúc xổ cho vào chiếc bồn đãi, mang ra hố sâu gần đó để đãi tìm vụn vàng.
Ông Hồ Văn Ba Trưởng thôn A Vương nói rằng thôn chỉ biết Công ty TNHH xây dựng số 9 được tỉnh cấp phép khai thác cát, không thấy công ty làm vàng. Trong khi đó, ông Hồ Văn Biên là người có uy tín của thôn A Vương cho biết ngày 25-9 vừa qua, Công ty có “đặt thử” thảm dưới máy để lấy vàng.
Theo ông Hồ Văn Quằm, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, địa phương chỉ biết Công ty TNHH số 9 được tỉnh cho phép khai thác cát xây dựng ở lòng sông Đakrông còn việc họ tiến hành khai thác tác động như thế nào đến môi trường, đất đai, phải lập đoàn kiểm tra mới có thể kết luận. Phó Chủ tịch UBND xã Tà Rụt cũng chia sẻ, rất khó để phát hiện doanh nghiệp khai thác vàng nếu chỉ quan sát từ bên ngoài.
Ông La Lay Khăm, Trưởng Công an xã Tà Rụt nói rằng các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, lãnh đạo xã nhận được phản ánh về việc doanh nghiệp làm vàng trong quá trình khai thác cát. Công an xã cũng nghi vấn về việc này nhưng phải kiểm tra đột xuất mới khẳng định một cách chắc chắn Công ty này có lợi dụng khai thác cát để tìm vàng hay không. Do địa phương bận nhiều việc nên chưa thể tổ chức đoàn kiểm tra - ôngLa Lay Kham nói.
Trong ngày 17/10, chúng tôi được ông Trương Đức Hai - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng số 9 - cho biết, doanh nghiệp của ông được tỉnh cấp phép hoạt động khai thác cát, sỏi ở sông Đakrông qua địa bàn xã Tà Rụt. Hoạt động khai thác mới triển khai từ cách đây vài tháng.
Thông tin doanh nghiệp lợi dụng giấy phép khai thác cát, sỏi để tìm vàng được ông Trương Đức Hai cho biết là không có cơ sở. Tuy nhiên gần cuối cuộc trao đổi, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng số 9 thừa nhận ngày 25-9, Công ty có “thử” lót thảm thăm dò xem có vàng hay không (!).
Việc thăm dò vàng ở sông Đakrông của Công ty TNHH xây dựng số 9 - theo ông Trương Đức Hai là đã được UBND tỉnh cho phép bằng văn bản với nội dung cụ thể. Tuy nhiên tại cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Trương Đức Hai không cung cấp được văn bản nào của chính quyền và của cơ quan quản lý thể hiện nội dung như ông đã đề cập.
Quyết định cho phép Công ty TNHH xây dựng số 9 khai thác cát, sỏi dưới lòng sông làm vật liệu xây dựng thông thường của UBND tỉnh Quảng Trị (ngày 19/6/2017) chỉ cho phép công ty này được khai thác cát sỏi ở sông Đakrông bằng phương pháp lộ thiên với công suất 36.000 m3/năm trong thời hạn 4 năm, 6 tháng.
Văn bản (số 43/SXD – KHTH ngày 13/1/2017) của Sở Xây dựng Quảng Trị thông báo kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công công trình khai thác cát, sỏi lòng sông Đakrông làm vật liệu xây dựng thông thường tại địa bàn xã Tà Rụt gửi Công ty TNHH xây dựng số 9 cũng không có nội dung như ông Trương Đức Hai đã nêu. Điều này đồng nghĩa với việc Công ty TNHH xây dựng số 9 tổ chức thăm dò vàng vào ngày 25/9, được ông Trương Đức Hai thừa nhận tại buổi làm việc ngày 17/10 với chúng tôi là trái với quy định.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường quản lý, khai thác cát sỏi ngày 6/7/2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề cập: Nước ta có trữ lượng cát, sỏi khá lớn, trong đó chủ yếu là cát, sỏi lòng sông. Với tình hình khai thác cát như hiện nay thì nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt và gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến các công trình ven bờ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân sinh sống ở khu vực liền kề, mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân. |