Dự án “Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng” được Tỉnh Đoàn Thanh Hoá thành lập từ năm 2007 với tổng nguồn vốn trên 32 tỷ đồng. Ngôi làng được quy hoạch trên diện tích 600ha đất thuộc xã Xuân Hoà, huyện Như Xuân (Thanh Hoá) với 141 hộ dân, chủ yếu là những cặp vợ chồng trẻ đến từ các huyện miền xuôi xung phong lên đây sinh sống. Họ đến vùng đất mới mang theo khát vọng đột phá trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Vậy nhưng, sau 10 năm, ngôi làng vẫn khá đìu hiu.
Nhiều ngôi nhà ở Sông Chàng mặc cho cỏ dại bao trùm.
Không như kỳ vọng
Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng được chia thành 4 cụm dân cư và hiện có hàng chục ngôi nhà luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài, ổ khóa gỉ sét mặc cho cỏ dại bao trùm. Điều này chứng tỏ đã rất lâu rồi, chủ nhân của những ngôi nhà không viếng thăm, chưa nói gì tới chuyện định cư ổn định. Phải lượn một vòng chúng tôi mới tìm thấy ngôi nhà ở cụm dân cư số 2 đang mở cửa.
Chủ nhân Lê Đình Mạnh cho biết: Năm 2011, anh là một trong những thanh niên ưu tú được chọn đưa lên Làng thanh niên lập nghiệp với kỳ vọng sẽ giúp cho cuộc sống thay đổi, phát triển kinh tế tại đây. “Mỗi thanh niên lên đây định cư được giao 400m2 đất ở và 3,2 ha đất canh tác. Ngoài ra, cứ 3 hộ được hỗ trợ 1 giếng khoan, 1 bể nước để phục vụ sinh hoạt”- anh Mạnh nói.
Vậy nhưng sự kỳ vọng đó dần trở nên thất vọng bởi đất đai canh tác ở đây khá cằn cỗi, muốn trồng cây gì cũng khó. Và rồi, những chàng trai trẻ đưa cây mía, cây sắn vào trồng thử nghiệm trên vùng đất vừa khai phá này. Song, do nguồn nước tưới tiêu vô cùng khan hiếm nên sau khi thả giống sắn, mía, nhiều gia đình bỏ mặc, khóa cửa tới nơi khác tìm việc làm.
Theo anh Mạnh, tính riêng tại cụm dân cư số 2 có 54 hộ dân, nhưng hiện tại chỉ khoảng 24-25 hộ ở, trong đó số hộ ở cố định khoảng 17-18 gia đình. 10 năm trôi qua, quan sát thực địa Làng lập nghiệp vẫn tồn tại với những căn nhà nhỏ được xây dựng trên diện tích khoảng 30m2, lợp ngói, hay lợp bằng tấm xi măng tạm bợ. Anh Mạnh nói: “Ở ngôi làng này chả có gì mới ngoài những đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời giữa nơi núi rừng heo hút”.
Nhưng đáng kể hơn cả đó là việc bao cặp gia đình trẻ dũng cảm đến đây lập nghiệp đã 10 năm, có được giao đất ở và đất sản xuất, nhưng hầu hết ở 4 cụm dân cư đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khiến việc vay mượn nguồn vốn phát triển kinh tế gần như bị đóng cửa.
Anh Lê Xuân Đạo ở cụm dân cư số 2 nói: “Khi chúng tôi lên đây, Ban Quản lý Làng hứa 5 năm sau sẽ làm “bìa đỏ”. Bà con nhiều lần kiến nghị, đối thoại với cơ quan chức năng về những vướng mắc, song mọi việc vẫn đang giậm chân tại chỗ. Giờ thì 10 năm trôi qua rồi, dân vẫn đang trông ngóng vào quyết sách của tỉnh. Không chỉ vậy, cư dân của làng còn chịu thiệt thòi khi sinh sống trong vùng 30a nhưng chưa hưởng bất cứ sự hỗ trợ nào”.
Thiệt thòi đủ bề
Không chỉ vậy, ngay cả các hộ dân thuộc diện dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn sống tại ngôi làng mới cũng chung cảnh như những hộ thanh niên xung phong đến đây. “Do điều kiện đặc thù nên tôi muốn mua thẻ bảo hiểm xã hội cũng không được, mà phải đứng tên nhờ nhà thằng cháu ở thôn trên”- anh Đạo nói.
Ông Lê Đình Tuấn - Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân thừa nhận: Xã Xuân Hòa và Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng đều thuộc vùng 30a nhưng đến nay riêng cư dân của làng mới vẫn chưa được hưởng bất cứ chính sách an sinh xã hội nào. Đến nay làng đã thành lập thôn Thanh Niên nhưng chưa có quyết định, vậy nên mọi việc vẫn đang còn phải chờ.
Ngoài ra, ngôi làng đặc biệt hiện chưa được quy hoạch nghĩa trang riêng. Một thanh niên trong làng xin giấu tên băn khoăn: “Cụm dân cư số 3 có 34 hộ dân, chủ yếu là công nhân lâm trường Sông Chàng cũ, tuổi đời trung bình khá cao. Có người đã ngoài bát tuần, không ít cụ bị bệnh rồi sẽ thuận theo quy luật tự nhiên. Mẹ tôi năm nay hơn 80 tuổi và nằm liệt giường nhiều năm rồi.
Tôi đã báo cáo với Ban Quản lý làng nhưng các anh ấy bảo: “Lúc nào bà mất thì cứ báo, chúng tôi sẽ lo nơi chôn cất”? Động thái mới nhất, Ban Quản lý Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng đã có cuộc họp tổng thể với các hộ dân về vấn đề quy hoạch nghĩa trang. Theo đó, việc này được giao cho Chi bộ làng khảo sát sau đó đề xuất với Tổng đội TNXP tìm địa điểm phù hợp để lập quy hoạch trên khu đất rộng 2ha.
Trước những tồn tại trên ở Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng, ông Hoàng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hóa cho biết: Quy trình để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bắt buộc Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng phải thành lập được thôn, trực thuộc xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn cũng đã làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Như Xuân đề xuất hướng giải quyết. Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ III, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra đầu tháng 7/2017 đã biểu quyết thông qua nghị quyết thành lập thôn Thanh Niên.
“Sau khi thành lập được thôn, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định, UBND huyện Như Xuân sẽ chỉ đạo Phòng TNMT phối hợp với địa chính xã Xuân Hòa đo đạc, cắm mốc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân thôn này”- ông Thanh nói.