Với trữ lượng cát sỏi khổng lồ, từ lâu đoạn sông Lô chảy qua địa bàn xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) trở thành miếng mồi của các doanh nghiệp (DN) khai thác cát sỏi. Việc các DN khai thác cát sỏi rầm rộ, dày đặc trên tuyến sông trong khi ngành chức năng buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát dẫn đến gây ra nhiều hệ lụy, đe dọa hệ thống đê điều khiến người dân bức xúc.
Một điểm sạt lở đất nông nghiệp nghiêm trọng tại sông Lô, sát mỏ khai thác cát
của Công ty cổ phần khai thác khoáng sản Đông Dương AVA.
Xưa nay, dòng sông Lô tại địa bàn xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) vốn là nguồn sống của hàng nghìn hộ dân. Nhưng rồi UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp phép cho 6 DN khai thác cát sỏi và nạo vét dòng chảy, mọi sự lập tức thay đổi. Các DN đua nhau “moi ruột” sông Lô, khiến dòng sông bị băm nát. Kéo theo đó, diện tích đất nông nghiệp rộng lớn của nhân dân cũng trôi xuống lòng sông sâu khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh khó khăn vì mất đất canh tác. Tiếng kêu cứu khắp cả vùng quê dường như lọt thỏm dưới tiếng động cơ tàu cuốc hút cát nên không được ngành chức năng địa phương giải quyết triệt để.
Ruộng trôi theo tàu cát
Thời gian gần đây, tình trạng sạt lở đất nông nghiệp ven sông Lô tại xã Đôn Nhân diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Từng mảng ruộng lớn của người dân vẫn dùng để canh tác hoa màu, dần nứt nẻ và ầm ầm đổ xuống lòng sông Lô. Thậm chí có những nơi, lòng sông đã ăn sâu vào đất canh tác lên đến hàng trăm mét. Nhiều gia đình cũng vì thế mà lâm cảnh mất trắng đất nông nghiệp dẫn đến nguy cơ thiếu đói.
Theo thống kê mới nhất của UBND xã Đôn Nhân, hiện nay đã có khoảng 5.000m2 đất nông nghiệp (quỹ 1) của gần 300 hộ dân xã Đôn Nhân bị sạt lở xuống sông Lô. Nguyên nhân sạt lở đất, được UBND xã Đôn Nhân xác định là do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có nguyên nhân do hoạt động khai thác khoáng sản (khai thác cát sỏi - PV).
“Gia đình đông miệng ăn, lại không có nghề phụ, chỉ dựa vào mấy sào ruộng sát sông Lô, vậy mà gần đây ruộng đất đã tuột xuống sông hết rồi. Nguyên nhân do các công ty khai thác cát rầm rộ sát bờ chứ có phải do thiên tai lũ lụt gì đâu. Chúng tôi đã rất nhiều lần gửi đơn đề nghị lên các cấp chính quyền ở địa phương, nhưng có ai chịu giải quyết, chịu bồi thường cho dân đâu. Cứ đà này, chắc chỉ một vài tháng nữa là toàn bộ ruộng đất của chúng tôi sẽ sạt lở hết, lúc đó chỉ có nước bỏ làng đi tha phương cầu thực…”- bà Liên, một người dân thôn xã Đôn Nhân bày tỏ.
Trước tình trạng sạt lở đất nông nghiệp ven sông Lô ngày càng nghiêm trọng, gần đây người dân liên tục lên các ngành chức năng của huyện Sông Lô và tỉnh Vĩnh Phúc để kêu cứu và phản ánh về tình trạng khai thác cát sỏi gây sạt lở đất nông nghiệp. Sau đó, UBND huyện Sông Lô và UBND xã Đôn Nhân tổ chức kiểm tra, xác minh thực tế và xác định phản ánh, kiến nghị của nhân dân là có cơ sở.
Theo ông Nguyễn Thành Trung- Bí thư Đảng ủy xã Đôn Nhân, hiện nay việc sạt lở đất nông nghiệp tại xã Đôn Nhân gây bức xúc trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây sạt lở, do vậy đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, làm rõ nguyên nhân gây sạt lở, đồng thời có phương án bồi thường phần diện tích đất sạt lở cho các hộ dân theo quy định và nhanh chóng triển khai thực hiện dự án kè đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Còn theo ông Nguyễn Đức Sinh- Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Vĩnh Phúc thì việc sạt lở đất nông nghiệp tại xã Đôn Nhân do nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau trong đó có nguyên nhân liên quan đến hoạt động khoáng sản. “Hiện tại vị trí đất nông nghiệp nằm tiếp giáp với dự án kè tại xã Đôn Nhân tiếp tục bị sạt lở, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê, kè và đất canh tác của nhân dân. Do vậy, nhà thầu không thể thi công dự án theo bản vẽ thiết kế thi công đã được phê duyệt. Đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, các cơ quan chức có liên quan cho lập điều chỉnh thành dự án chống sạt lở khẩn cấp, để kịp thời xử lý những sự cố nêu trên..”- ông Dương Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Lô xác nhận.
6 DN “xẻ thịt” khúc sông quê
Tuyến sông Lô chảy qua địa bàn xã Đôn Nhân chỉ dài 4,8km nhưng vì trữ lượng cát sỏi rất lớn nên UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp phép cho 5 DN khai thác cát sỏi và 1 DN nạo vét khơi thông dòng chảy. Theo đó, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sỏi gồm: Cty cổ phần Đầu tư xây dựng Bắc Ái; Cty cổ phần & chế biến lâm khoáng sản Hoàng Phát; Cty TNHH vận tải và xây dựng Vĩnh Phúc; Cty cổ phần khoáng sản Đông Dương AVA; Cty cổ phần Xây dựng & đầu tư Phúc Lợi Hà Nội và Công ty TNHH xây dựng phát triển hạ tầng Vân Hội được cấp phép nạo vét lòng sông.
Sau khi có giấy phép trong tay, các DN đua nhau mang tàu cuốc công suất lớn “moi ruột” sông Lô không thương tiếc, khiến dòng sông bị băm nát nham nhở.
Theo quan sát của chúng tôi, trên một đoạn sông ngắn mà có đến hàng chục tàu đua nhau “moi ruột” lòng sông khiến dòng nước đục ngầu, loang lổ dầu mỡ. Các tàu hút cát và tàu vận chuyển cát hoạt động hết công suất, khiến cả một đoạn sông Lô tại xã Đôn Nhân như một “đại công trường” khai thác cát. Người dân phản ánh, ngoài những chiếc tàu khai thác ở giữa lòng sông còn có những chiếc tàu cuốc lợi dụng ban đêm cắm thẳng vào chân bờ sông để khai thác. Việc khai thác cát sỏi rầm rộ khiến hai bên bờ sông, nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, tạo ra những thành vách dựng đứng, kéo theo nhiều diện tích đất nông nghiệp màu mỡ cả người dân bị lở xuống sông. “Chiều hôm trước vẫn cày cấy bình thường, sáng hôm sau ra cả đám ruộng đã mất tích dưới lòng sông. Nhà có 4 sào ruộng bị “Hà Bá” ăn mất 2 sào. Tàu hút cát vẫn hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm gần ruộng nhà tôi cứ thế này sắp tới chắc lại lở nốt, nếu ngành chức năng không giải quyết, hỗ trợ thì nhà tôi chết đói cả thôi”- ông Vinh, một người dân nói.
Theo công văn số 58/CCĐ-PCLB tỉnh Vĩnh Phúc gửi Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cho biết, tại K3+150 thuộc hệ thống kè Đôn Nhân (tương ứng với k9+990 Đê tả sông Lô) xuất hiện một cung sạt lở dài 62m, làm trượt phần đá lăng thể hộ chân kè Đôn Nhân được xây dựng năm 2008. Đồng thời, tại khu bờ tả đê sông (tương ứng với k3+500 đến k3+700) đê bối Đôn Nhân xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông với cung sạt dài 200m, lấn sâu vào đất nông nghiệp trên bãi sông. Khu vực lòng sông tiếp giáp với các điểm sạt lở bờ sông, chân kè là điểm mỏ khai thác cát sỏi của Công ty cổ phần khai thác khoáng sản Đông Dương AVA đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác từ năm 2015. Theo đánh giá của UBND xã Đôn Nhân thì nguyên nhân xảy ra tình trạng sạt lở là do tác động của việc khai thác, vận chuyển cát sỏi không đúng quy định của giấy phép.
Được biết, người dân xã Đôn Nhân đã rất nhiều lần kiến nghị, rất nhiều lần kêu cứu nhưng ngành chức năng huyện Sông Lô và tỉnh Vĩnh Phúc không vào cuộc giải quyết triệt để. Cực chẳng đã, người dẫn đã tự tổ chức truy đuổi các tàu cát khai thác sát bờ sông nhưng cũng chẳng ăn thua nên đành bất lực nhìn đất nông nghiệp bị “Hà Bá” nuốt dần.
Hiện nay, tình trạng sạt lở đất nông nghiệp ven sông vẫn đang tiếp tục diễn ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở được xác định là do hoạt động khai thác cát sỏi dưới sông Lô. Người dân thì hoang mang lo lắng, nhấp nhổm như “ngồi trên đống lửa” nhưng dường như ngành chức năng địa phương này vẫn loay hoay, chưa có hướng giải quyết hiệu quả. Còn các DN khai thác cát hàng ngày vẫn thu lợi tiền tỷ từ việc “moi ruột” dòng sông.