Kết quả một nghiên cứu do các nhà khoa học quốc tế thực hiện và công bố gần đấy cho thấy, sức nóng cực độ bao trùm bán đảo Iberia và một số khu vực ở Bắc Phi vào tuần trước "gần như không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu".
Nắng nóng cực độ
Nghiên cứu trên do 10 nhà nghiên cứu thuộc tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu World Weather Attribution (WWA) thực hiện. Họ là các nhà khoa học đến từ các trường đại học và cơ quan khí tượng ở Pháp, Ma-rốc, Hà Lan và Vương quốc Anh.
Theo đó, báo cáo của WWA nêu rõ: "Sóng nhiệt đến sớm một cách bất thường đã khiến nhiệt độ tại khu vực này nóng hơn tới 20 độ C so với thường lệ và nền nhiệt cao kỷ lục trong tháng 4 đã bị phá khi tăng thêm tới 6 độ C".
Đầu tuần trước, một khối không khí nóng, khô và ấm từ Bắc Phi đã tràn tới bán đảo Iberia, khiến nhiệt độ tại đây tăng lên mức cao kỷ lục trong lịch sử các tháng 4. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã phá kỷ lục nhiệt độ trong tháng 4, khi hai quốc gia nằm trên bán đảo Iberia đón đợt nắng nóng đầu mùa Hè đang làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán kéo dài ở một số vùng.
Đầu tháng này, Cơ quan Thời tiết quốc gia Tây Ban Nha (AEMET) cho biết, thành phố Cordoba - miền Nam nước này – đã có ngày ghi nhận nhiệt độ lên tới 38,8 độ C, phá vỡ mức nhiệt kỷ lục 38,6 độ C ở thành phố Elche vào năm 2011. Khu vực nội địa Tây Ban Nha ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong tháng 4 lên tới 44 độ C ở thành phố Seville.
Ở nước láng giềng Bồ Đào Nha, nhiệt độ ở thành phố Mora đạt 36,9 độ C, phá kỷ lục 36 độ C ghi nhận vào tháng 4/1945, theo dữ liệu của cơ quan thời tiết nước này. Trong khi đó, ở Morocco, nhiệt kế ghi nhận nhiệt độ 41,1 độ C tại một vài khu vực, trong đó có thủ đô Marrakesh, một kỷ lục mới trong tháng 4 tại quốc gia Bắc Phi. Tại Algeria, nhiệt độ cũng vượt quá 40 độ C.
Để chống nắng nóng, chính quyền thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã mở cửa các địa điểm được gọi là "bãi biển trong thành phố" với hồ bơi và vòi phun nước hạ nhiệt dọc sông Manzanares.
Tại Bồ Đào Nha, nhà chức trách đã ban bố cảnh báo nguy cơ cháy rừng tại 2 thành phố Proenca-A-Nova ở miền Trung và Tavira ở miền Nam.
Báo cáo của WWA khẳng định, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến đợt nắng nóng kỷ lục ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Maroc và Algeria tăng mạnh cường độ so với bình thường. Tình trạng này gần như không thể xảy ra, nếu không có biến đổi khí hậu.
Thủ phạm gây biến đổi khí hậu
Cuối tháng 4, một khối không khí khô nóng từ sa mạc Sahara di chuyển và xuất hiện ngay phía trên khu vực phía Tây Địa Trung Hải, gây ra nền nhiệt độ thường chỉ có vào cao điểm mùa hè tháng 7, tháng 8.
Theo các dữ liệu thu thập được, cái nóng như thiêu đốt kéo dài 3 ngày liên tiếp trong tháng 4 ở khu vực Địa Trung Hải là rất hiếm thấy.
Ông Sjoukje Philip - chuyên gia khí hậu tại Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan cho biết, sóng nhiệt ở Địa Trung Hải vừa qua chắc chắn không thể xảy ra nếu không phải bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Nhiều năm qua, bán đảo Iberia và vùng Bắc Phi đã vật lộn với nạn hạn hán. Lượng mưa ngày càng ít ỏi khiến các vụ mùa lúa mỳ của Morocco thiệt hại nặng. Nhiệt độ cao và thiếu nước tưới cũng làm suy giảm sản lượng olive tại Tây Ban Nha, nước sản xuất dầu olive lớn nhất châu Âu. Giá dầu olive hiện ở mức cao nhất trong vòng 26 năm.
Bà Fatima Driouech - chuyên gia môi trường Đại học Bách khoa Mohammed VI - cho biết, khan hiếm nước đã gây tác động nghiêm trọng tới sinh kế của người dân khu vực Nam Âu và Bắc Phi. "Diễn biến trong tương lai sẽ không khả quan hơn" - bà Driouech cảnh báo.
Guardian dẫn lời tiến sĩ Friederike Otto - chuyên gia Đại học Imperial London - cho biết: "Địa Trung Hải là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất ở châu Âu bởi biến đổi khí hậu. Các đợt sóng nhiệt sẽ không biến mất, chúng sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn cho tới khi chúng ta ngừng phát thải khí nhà kính".
Kết quả nghiên cứu cho thấy, phát thải khí nhà kính dẫn tới nóng lên toàn cầu đã khiến sóng nhiệt có nguy cơ xảy ra cao gấp 100 lần so với kịch bản không có phát thải. Nhiệt độ trong các đợt sóng nhiệt cũng cao hơn 3,5 độ C so với kịch bản giả tưởng không có nóng lên toàn cầu.
Nghiên cứu cũng sẽ giúp cung cấp thông tin cho các chính phủ chuẩn bị đối phó với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt đến sớm, với mục đích ngăn ngừa tử vong và mở rộng các chiến dịch nâng cao nhận thức về nhiệt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm ngoái, ít nhất 15.000 người đã chết ở châu Âu vì thời tiết quá nóng, trong đó Tây Ban Nha là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Bà Roop Singh thuộc Trung tâm Khí hậu Trăng lưỡi liềm đỏ của Hội Chữ thập đỏ - cho biết: “Khi chúng tôi có thể gửi cảnh báo bằng thông điệp đã hiệu chỉnh sẽ giúp mọi người nhận thức chính xác rủi ro của họ và có thể dẫn đến thay đổi hành vi cá nhân, như việc sử dụng máy điều hòa không khí trong trường học và nhiều hoạt động giảm thiểu tác động đến môi trường”.
Sóng nhiệt thường được coi là tình trạng thời tiết cực đoan nguy hiểm nhất. Dữ liệu nạn nhân tử vong trong đợt sóng nhiệt tháng 4 chưa được công bố. Tuy nhiên trong năm 2022, các trận sóng nhiệt đã khiến 4.000 người tử vong ở Tây Ban Nha. Số nạn nhân tại Bồ Đào Nha là khoảng 1.000.