Sóng nhiệt vẫn bao trùm

Thanh Đức 17/07/2023 07:05

Ngày 16/7, Viện Sức khỏe toàn cầu Barcelona và Viện Nghiên cứu sức khỏe INSERM của Pháp chính thức công bố nghiên cứu dựa trên dữ liệu về nhiệt độ và tỷ lệ tử vong năm 2015-2022 của 823 khu vực trên 35 quốc gia châu Âu (bao gồm 543 triệu người).

Lái xe và nhân viên y tế ăn trưa dưới bóng cây ở Banpur (Ấn Độ). Ảnh: AP.

Dựa vào các mô hình tính toán, riêng từ ngày 30/5/2022 tới 4/9/2022 nhóm các nhà khoa học ước tính có khoảng 61.672 ca tử vong liên quan đến nắng nóng ở châu Âu. Italy là quốc gia châu Âu ghi nhận số ca tử vong vì nắng nóng cao nhất, với 18.010 người. Theo sau là Tây Ban Nha và Đức với lần lượt 11.324 và 8.173 người. Nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn các ca tử vong vì nắng nóng là người trên 80 tuổi và 63% ca tử vong là nữ giới. Đáng sợ nhất là đợt nắng nóng gay gắt nhất mùa hè năm ngoái, diễn ra từ 18 đến 24/7/2022, đã cướp đi sinh mạng của hơn 11.600 người.

"Đó là số ca tử vong rất lớn, cần rất nhiều việc phải làm để bảo vệ người dân trong điều kiện Trái đất nóng lên, mùa hè kéo dài với nền nhiệt cao" - Hicham Achebak, nhà nghiên cứu của INSERM, nói.

Mùa hè 2023, các nghiên cứu cho thấy trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7, nền nhiệt ở nước Pháp tăng 2,43 độ C so với năm ngoái, mức tăng nhiệt lớn nhất trong khu vực. Theo sau là Thụy Sĩ, Italy, Hungary với mức tăng nhiệt lần lượt là 2,3 độ; 2,28 độ và 2,13 độ C. Còn trên phạm vi toàn cầu, thế giới được đánh giá nóng lên gần 1,2 độ C kể từ giữa những năm 1800 (riêng châu Âu là 2,3 độ C).

Nắng nóng khiến hầu hết những dòng sông ở châu Âu cạn nước, nhất là sông Po ở Italy. Thuyền trưởng Giuliano Landini - chủ tàu Stradivari cho biết, con tàu dài 60m của ông đã từng chở tới 400 người du ngoạn trên dòng sông này nhưng nay do nước cạn đã trở nên “bất khả thi”. Nhìn lên bầu trời nắng chang chang, ông Giuliano buồn rầu nói: “Sông Po đang chết”.

Sông Po dài 625km, chảy từ Turin đến Venice. Đây là khu vực đông dân cư nhất Italy, nơi tập trung các ngành công nghiệp cao và vùng canh tác trọng điểm của quốc gia này, còn được gọi là “Thung lũng ẩm thực Italy”. Dòng sông là nơi mưu sinh của ngư dân, cung ứng nguồn nước cho các vùng đất nông nghiệp, cung cấp năng lượng cho tuabin gió và là nguồn nước sinh hoạt của hàng triệu người. Cơ quan lưu vực sông Po cho biết, mùa hè năm nay mực nước của con sông này đã hạ xuống mức thấp kỷ lục theo mùa trong 30 năm qua, với tốc độ dòng chảy chỉ bằng 1/3 mức trung bình.

Còn tại Tây Ban Nha, năm nay cũng lại là một mùa hè gay gắt, với nền nhiệt vượt ngưỡng 44 độ C ở một số khu vực. Cơ quan Thời tiết quốc gia Tây Ban Nha (AEMET) cho biết, đợt nắng nóng “như đổ lửa” với mức nhiệt cao nhất là 43,8 độ C đã xảy ra ở El Granado (tỉnh Huelva), khiến 2 người tử vong. Tại Thủ đô Madrid, nhiệt độ cũng lên tới 40 độ C. AEMET xác nhận, mùa xuân năm 2023 vừa qua là mùa xuân nóng nhất trong hơn 60 năm qua tại Tây Ban Nha.

Tại châu Á, chính quyền bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) cho biết, nắng nóng đã khiến 54 người thiệt mạng, hầu hết những người chết đều trên 65 tuổi và mắc các bệnh lý nền. Ông S.Yadav, nhân viên y tế ở quận Ballia (bang Uttar Pradesh) cho biết, chỉ trong 2 ngày gần đây đã có gần 300 người nhập viện vì nóng. Chính quyền đã phải hủy đơn xin nghỉ phép của nhân viên y tế và tăng thêm giường bệnh trong khu cấp cứu. Trong khi đó, ông R.Pathak, một cư dân địa phương cho biết mọi người rất sợ ra ngoài. Các con đường và khu chợ đa phần đều trở nên hoang vắng.

Theo Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), sóng nhiệt kéo dài đã ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Tại Bihar, trong số các trường hợp tử vong, 35 nạn nhân được ghi nhận tại 2 bệnh viện ở thủ phủ bang Patna, khi mà có ngày nhiệt độ lên tới 44,7 độ C.

Cũng giống như năm 2022, mùa hè năm nay nhiều nông dân Ấn Độ gọi là “mùa hè chết chóc”. Sunil Kumar Naik, lái xe cứu thương kể rằng tiếng còi xe cấp cứu vang lên inh ỏi ở vùng nông thôn khô cằn, đầy sỏi đá vào giữa trưa một ngày nóng nực tại thị trấn Banpur. “Tôi cùng một nhân viên y tế thường chỉ nhấp chút nước và dùng khăn làm mát đầu. Ca làm việc 12 tiếng diễn ra giữa mùa hè khắc nghiệt khi mà chúng tôi liên tục nhận được các cuộc gọi cấp cứu” - anh Sunil nói và cho biết, ngôi làng Banpur có 13.000 người. Mùa hè chính quyền tài trợ chi phí cứu thương nên người dân cũng bớt phần khó nhọc. "Lái xe giữa thời tiết nóng nực thế này rất vất vả, nhưng không thấm vào đâu so với bệnh nhân đang cần cấp cứu".

Theo ông Dileep Mavalankar (Viện Y tế công Gandhinagar), người ta có thể đột tử vì sốc nhiệt, sức khỏe của những người có bệnh nền có thể suy giảm ngày càng nghiêm trọng giữa các đợt nắng nóng kéo dài. Nhưng thật đáng tiếc là khi bão lũ xảy ra thì ai cũng cảnh giác và hành động ngay lập tức, trong khi nắng nóng dữ dội thì rất ít người nhận thức được hoặc có hành động đối phó. “Nhóm bị ảnh hưởng là những người nghèo dễ tổn thương, họ cần phải được trợ giúp" - ông Dileep nói.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng biến đổi khí hậu ngoài tầm kiểm soát, khi mà các kỷ lục nhiệt độ thế giới liên tục bị phá vỡ vào ngày 3, 4 và 5/7; lên mức cao nhất trong vòng 44 năm. Còn theo TS Karsten Haustein - nhà nghiên cứu bức xạ khí quyển tại Đại học Leipzig (Đức) thì rất có thể tháng 7 năm nay sẽ là tháng 7 nóng nhất từ trước đến nay. Trước đó, cơ quan dịch vụ giám sát khí hậu châu Âu cho biết, thế giới đã trải qua tháng 6/2023 nóng nhất trong vòng 100 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sóng nhiệt vẫn bao trùm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO