Sốt ruột chờ phương án thi

Phương Linh 17/09/2016 11:10

Sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017, đã có khá nhiều phản hồi từ các phụ huynh và thí sinh. Đa số thí sinh, phụ huynh khi được hỏi đều cho biết đang rất hoang mang trước sự thay đổi từ Bộ.

Nhất là ở thời điểm hiện nay, khi Bộ chưa ra đề thi minh họa, chưa biết cách thi trắc nghiệm sẽ có những đổi mới gì so với hình thức thi đã thực hiện. Phía các nhà trường cũng cho biết, đang chờ phương án chính thức từ phía Bộ để kịp thời đưa ra hướng chỉ đạo, ôn tập cho học sinh.

Ảnh minh họa.

Phụ huynh, thí sinh lo lắng

Mặc dù đã được Bộ GD&ĐT trấn an rằng, đề thi đổi mới theo hướng trắc nghiệm sẽ chỉ nằm trong chương trình phổ thông, đặc biệt là trong lớp 12. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, thí sinh hiện nay vẫn tỏ ra khá băn khoăn cho phương án thi mới.

Thứ nhất, họ băn khoăn tính khả thi khi triển khai đại trà phương án thi áp dụng theo kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG HN. Phương án thi này mới chỉ được áp dụng ở một trường mà chưa được thí điểm nhân rộng, chưa có một đánh giá khách quan từ tổ chức kiểm định nào về ưu nhược điểm của kỳ thi. Nếu áp dụng vào kỳ thi THPT quốc gia, liệu có gây khó cho thí sinh không?

Chị Thu Hiền (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Thực ra ĐHQG HN mới thí điểm trong các trường thành viên, chưa nhân rộng. Bây giờ áp dụng đại trà cần phải có lộ trình hoặc làm thí điểm. Nếu ngay từ đầu, Bộ có lộ trình để cho các học sinh biết và chuẩn bị thì sẽ tốt hơn. Hoặc Bộ có thể để đến năm sau thực hiện cũng được”.

Chị Hiền cho rằng, thi trắc nghiệm có thể gọn nhẹ, giảm gian lận thi cử, nhưng nếu thi trắc nghiệm 100%, đặc biệt ở môn Toán vẫn có những hạn chế như giảm khả năng phân loại học sinh, nhiều thí sinh học kém sẽ có cơ hội khoanh, đoán bừa đáp án và có điểm cao hơn là học sinh có kiến thức thực. Hoặc là học sinh sẽ học máy móc, học tủ. Chưa nói đến việc sẽ xảy ra tình trạng học thêm, dạy thêm theo phương thức thi mới…

Bên cạnh đó, đa số thí sinh khi được hỏi đều tỏ rõ sự lo lắng khi cho rằng thay đổi của Bộ có phần hơi vội. Là học sinh lớp 12, Nguyễn Thu Phương cũng chia sẻ rằng: Việc đổi mới của Bộ theo hướng thi trắc nghiệm như năm nay khiến em và các bạn trong lớp khá hoang mang. Nhất là việc đang thi chỉ 4 môn như năm ngoái, năm nay lại chuyển qua thi 6 môn thì ôn tập quá gấp gáp. Em chia sẻ mong muốn, Bộ cứ giữ phương án thi như cũ, sang năm mới thực hiện đổi mới thì sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị hơn.

“Ngóng” Bộ ra đề thi minh họa

Nhận thấy những lo lắng từ phía học sinh và phụ huynh, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: Bộ GD&ĐT cần phải công bố ngay cấu trúc đề thi trong thời gian sớm nhất, như Bộ nói là hết tháng 9, để cho các trường và xã hội biết, triển khai phương hướng dạy học và tập trung ôn tập cho học sinh.

Đặc biệt nhà trường mong muốn Bộ GD&ĐT phải hạn chế chương trình ngay. Hạn chế không phải chỉ 6 môn KHTN hay KHXH, mà hạn chế ngay cả các môn chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ. Việc hạn chế để phụ huynh, thí sinh biết học những nội dung nào là trọng tâm, để phải học thật và nghiêm túc.

Về phía học sinh, cứ yêu cầu thế nào các em sẽ phải theo. Muốn có kiến thức phải có đổ mồ hôi, chứ không phải tự nhiên kiến thức đến, nằm nghỉ ngơi hôm trước hôm sau sẽ có.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Anh- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành cũng chia sẻ sự nôn nóng chờ quyết định chính thức của Bộ, về phương án thi và công bố đề thi minh họa. Theo bà Thu Anh, điều lo lắng là hiện nay chương trình sách giáo khoa hơi nặng, mong Bộ có hướng dẫn cụ thể hơn nội dung. Năm đầu tiên chưa quen nên cần chuẩn bị kỹ, để hướng đến thực hiện tốt hơn ở những năm sau. Khi mà có quyết định chính thức của Bộ, nhà trường sẽ chủ động lập kế hoạch triển khai các hoạt động dạy học. Dù cách thi như thế nào thì vẫn phải luôn thay đổi cách dạy học, chủ động, sáng tạo để học sinh phát triển toàn diện.

Không nên “chiều” học sinh quá

Để góp ý cho Bộ đưa ra phương án tối ưu nhất cho kỳ thi, TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định: Việc Bộ bỏ 2 cụm thi, giao cho địa phương tổ chức là tích cực. Đồng thời, việc Bộ để 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ tiếp tục thi bắt buộc, và đưa thêm hai tổ hợp KHTN, KHXH vào cũng là tiến bộ, góp phần cho giáo dục phát triển toàn diện. Bởi, nếu vẫn cứ để học sinh thi ba môn bắt buộc với môn thứ tư, thì đến lớp 10 đa số học sinh bỏ hết các môn khác, không tập trung vào học.

Bên cạnh đó, ông Lâm góp ý thêm rằng: Để thực hiện được tổ hợp này Bộ cũng không nên “chiều” học sinh quá, chỉ cho học sinh lựa chọn 1 môn tự nhiên hoặc xã hội, vì như vậy học sinh vẫn học lệch. Nếu Bộ thấy việc này là tốt thì nên làm ngay.

Tuy nhiên để thực hiện, Bộ phải hạn chế chương trình, kiến thức, kỹ năng của tất cả các môn, cả Văn, Toán, Ngoại ngữ để có những điểm trọng tâm cho thầy trò luyện tập. Bộ đừng ngại khi thấy mọi người kêu không quen. Quen hay không thì có đề thi mẫu, và cấu trúc đề thi. Không phải thi 1 lần mà 2, 3 lần 1 năm cũng không sao cả.

Thêm vào đó, việc dựa vào bộ đề của ĐHQG HN thì phải xem xét ngân hàng đó đã đủ chưa, các chuyên gia tham gia thêm như thế nào? Cái này Bộ phải tuyên bố, công khai, phải đưa ra một số đề thi để xã hội yên tâm, chứ không có gì phải giấu diếm cả. Đầu năm có thể có 1 bộ đề để học sinh, nhà trường biết cấu trúc đề, hết học kỳ lại có bộ đề nữa chẳng hạn, cho chính các trường đánh giá, kiểm nghiệm.

Nếu các trường thấy đạt yêu cầu thì không có gì khó khăn cả. Như vậy Bộ mới tạo được niềm tin cho các nhà trường, học sinh và xã hội. Cũng từ đó để định hướng, điều chỉnh tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sốt ruột chờ phương án thi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO