Sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp

Đức Trân 25/07/2023 06:38

Thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 40.000 ca sốt xuất huyết (SXH), trong đó, phía Bắc có hơn 1.000 ca, cao hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhân viên y tế quận Hoàng Mai ( Hà Nội) hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, xử lý khu vực muỗi có thể phát triển. Ảnh: TTXVN.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tuần qua (từ ngày 14 đến 21/7), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 442 ca mắc SXH (tăng 1,5 lần so với tuần trước đó). Trong đó, huyện Thạch Thất có số lượng bệnh nhân nhiều nhất là 109; tiếp đến là quận Hoàng Mai có 35 bệnh nhân; quận Bắc Từ Liêm có 29 bệnh nhân…

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.556 ca mắc, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022 nhưng chưa ghi nhận ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 320/579 xã, phường, thị trấn.

Trong bối cảnh này, các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô cũng ghi nhận số ca nhập viện do SXH có sự gia tăng đột biến. Ghi nhận tại Bệnh viện E cho thấy, những ngày gần đây, số lượng người mắc SXH đến khám và điều trị gia tăng. Cụ thể, từ đầu tháng 7 tới nay, mỗi ngày, phòng khám Khoa Bệnh nhiệt đới của bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân mắc SXH (5-10 trường hợp phải nhập viện theo dõi, điều trị). Trong đó có không ít phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người có nhiều bệnh lý nền. Đáng quan ngại, trong những ngày gần đây, cao điểm số người mắc SXH điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới lên đến 30-40 người, chiếm hơn 50% số người bệnh đang điều trị tại khoa.

Điển hình, bệnh nhân N.K.T. (41 tuổi, Bắc Từ Liêm) đang điều trị SXH ngày thứ 3 chia sẻ: “Tôi là người thứ 2 trong gia đình bị SXH, trước đó là ông tôi. Do tuổi cao, khi phát hiện mắc SXH, ông tôi phải nhập viện điều trị ngay. Còn tôi chủ quan không đến bệnh viện, tuy nhiên đến ngày thứ 6 tôi xuất hiện các triệu chứng nặng như sốt cao, đau đầu chóng mặt, chảy máu chân răng nhiều… nằm mãi không thấy đỡ nên tôi đi khám và các bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị”.

BS Đào Văn Cao - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, (Bệnh viện E) thông tin: Tính đến nay, khoa đang theo dõi và điều trị cho gần 300 bệnh nhân mắc SXH. Mặc dù số lượng bệnh nhân đông nhưng do chủ động phòng, chống dịch, kê thêm giường xếp cho bệnh nhân tại các phòng bệnh đã hạn chế tình trạng bệnh nhân nằm ghép.

Theo BS Cao, qua điều trị thực tế, các bác sĩ gặp các tình trạng bệnh diễn biến nặng của người bệnh SXH như ho ra máu, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao, tràn dịch màng phổi, màng bụng, tụt huyết áp…

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận định, số mắc SXH tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây; một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài. Kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy, một số tồn tại như xử lý chưa triệt để, chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, tỷ lệ phun hóa chất chưa đạt yêu cầu... Dự báo, thời gian tới, số mắc SXH có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Trước những diễn biến khó lường của bệnh SXH, BS Đào Văn Cao - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E) khuyến cáo, mọi người nếu thấy sốt cao đột ngột cần vào viện khám ngay, vì bệnh SXH có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng. Do đó, bệnh nhân cần được thăm khám, phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp. Đặc biệt, đối với người cao tuổi mắc nhiều bệnh lý nền như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch hoặc phụ nữ mang thai mắc SXH thường diễn biến nặng hơn, nhiều biến chứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO