Sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp

Đức Trân 05/09/2023 06:52

Bộ Y tế cho biết, theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố.

Cụ thể, theo báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến ngày 25/8 cả nước ghi nhận 66.386 ca mắc SXH, trong đó có 14 bệnh nhân tử vong. Trong đó, Hà Nội là một trong những địa phương có số ca mắc SXH gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, số ca mắc SXH ghi nhận tăng cao bắt đầu từ tháng 6 và tăng cao nhất trong 3 tuần gần đây. Số ca mắc SXH trong 8 tháng đầu năm 2023 giảm tại 3 khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên, riêng khu vực miền Bắc tăng 125,2%, đặc biệt tại Hà Nội tăng 5,3 lần.

Thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho hay, trong 3 tuần gần đây, số ca mắc SXH tăng nhanh rõ rệt. Nếu đầu tháng 8, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố khoảng 500-600 ca/tuần thì hiện tại đã vượt mốc 1.000 ca/tuần. Hà Nội đã ghi nhận 2 ca tử vong do SXH trong năm 2023.

Dự báo tình hình SXH trong thời gian tới, Cục Y tế dự phòng cho hay, Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á trong đó nhiều quốc gia hiện ghi nhận số mắc và tử vong tăng cao trong năm 2023. Số ca mắc tại nước ta bắt đầu tăng từ tháng 6 đến nay tương đồng với sự gia tăng số ca mắc SXH trong nhiều năm qua.

Nguyên nhân gia tăng bệnh SXH hiện nay do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, đặc biệt tại khu vực miền Bắc đang trong điều kiện thời tiết mùa hè nóng ẩm, nắng mưa đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng và muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng (bọ gậy) của muỗi truyền bệnh; sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống SXH tại một số địa phương chưa cao.

Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2023 và 2024 hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh SXH và các bệnh do muỗi truyền.

Cục Y tế dự phòng cho biết, thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số ca mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cá cảnh, khay nước thải tủ lạnh...

Cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO