Omicron đang làm bộc lộ sự khác biệt Đông-Tây giữa các nước quyết tâm ngăn chặn sự lây lan của biến thể và những nước coi sự lây lan của nó là không thể tránh khỏi và thậm chí là dấu hiệu của sự kết thúc đại dịch.
Thận trọng với mọi diễn biến dịch
Mặc dù khi biến thể Omicron lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 11/2021, nhiều quốc gia đã thắt chặt biên giới để chặn đà lây nhiễm, nhưng cho đến nay, các nhà chức trách ở châu Á vẫn tỏ ra không muốn nới lỏng các hạn chế đi lại mặc dù tỷ lệ tiêm chủng cao và có bằng chứng về việc Omicron ít có khả năng gây bệnh nặng.
“Rất khó để xử lý Omicron. Nó rất dễ lây lan dù không có mối đe dọa đáng kể nào đối với hầu hết bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu mẫu số trở nên quá lớn để xử lý, thì tử số cũng sẽ khá lớn”, ông Kentaro Iwata, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe, nói với Al Jazeera.
Cuối tuần trước tại Hồng Kông (Trung Quốc), việc các nhà chức trách ra lệnh cấm các chuyến bay từ 8 quốc gia, trong đó có cả Mỹ và Vương quốc Anh, tăng gấp đôi các hạn chế biên giới, đã biến trung tâm tài chính quốc tế này thành một trong những thành phố biệt lập nhất thế giới.
Các nhà chức trách cũng đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt về giãn cách xã hội, bao gồm việc buộc các quán bar và phòng tập thể dục đóng cửa và cấm nhà hàng ăn uống sau 6 giờ chiều.
Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore đã bắt buộc xét nghiệm thực tế đối với tất cả du khách quốc tế kể từ tháng trước, trong khi Nhật Bản cấm nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài không cư trú.
Chính quyền Hàn Quốc cũng đã cấm các nhà hàng hoạt động sau 9 giờ tối cho đến ít nhất là ngày 16/1, trong khi ba quận của Nhật Bản đã yêu cầu chính quyền Tokyo phê duyệt các biện pháp bán khẩn cấp bao gồm hạn chế giờ mở cửa của các nhà hàng và quán bar.
Ông Jayant Menon, một thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết, những "phản ứng thái quá" với virus không thể tiếp tục kéo dài ở giai đoạn này của đại dịch.
Ông Menon nói: “Việc liên tục hạn chế đi lại không mấy thành công trong việc ngăn chặn những tác động trực tiếp từ một biến thể siêu lây nhiễm như Omicron. Ngược lại, việc áp dụng biện pháp này còn phải trả giá khi khiến nhiều người dân bị mất sinh kế và thu nhập do không thể kinh doanh hay đi lại. Do đó, biện pháp khả thi duy nhất để tiếp tục áp dụng các hạn chế là cố gắng duy trì một hệ thống chăm sóc sức khỏe cho những người có thể tiếp cận nó, nhưng điều này là không dễ thực hiện”.
Chấp nhận “sống chung” với Covid
Lập trường thận trọng của các nước châu Á trái ngược với các quốc gia như Mỹ, Anh và Australia. Việc số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục ở khu vực này đang thúc đẩy nhận thức rằng, việc kiểm soát chặt chẽ biến thể Omicron thực tế là không thể và không đáng để đánh đổi cả nền kinh tế và hoạt động xã hội ổn định.
Tại Australia, nước đã thực hiện một số cuộc phong tỏa và kiểm soát biên giới khắc nghiệt nhất trước đó trong suốt đại dịch, Thủ tướng Scott Morrison đã tuyên bố “những ngày đóng cửa đã không còn nữa”.
Các quan chức y tế tiểu bang trong những tuần gần đây đã chấp nhận tuyên bố với công chúng rằng, tất cả mọi người đều sẽ nhiễm biến thể Omicron, trong khi đó, một số nhà chức trách vẫn khuyến cáo lại các biện pháp phòng dịch để giảm bớt các trường hợp gia tăng. Bang New South Wales đã đình chỉ các cuộc phẫu thuật dịch vụ, cấm ca hát và khiêu vũ tại các địa điểm khách sạn.
Các quan chức Australia cũng đã nhiều lần nới lỏng các quy tắc xét nghiệm và cách ly để giảm bớt sự gián đoạn cho các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng do số lượng người xét nghiệm dương tính với virus ở mức kỷ lục.
Tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Boris Johnson bày tỏ hy vọng nước này sẽ vượt qua “cơn lốc” Omicron mà không phải áp dụng thêm bất cứ lệnh hạn chế nào.
Mặc dù Omicron đã gây áp lực lên các bệnh viện ở cả hai nước trên, tuy nhiên, các ca tử vong và cần chăm sóc đặc biệt vẫn ở dưới mức đỉnh trước đó. Tại Anh, nơi phát hiện trường hợp Omicron đầu tiên cách đây 6 tuần, số bệnh nhân cần sự hỗ trợ của máy thở oxy ít hơn 1/4 so với mức đỉnh tháng 1/2021.
Ở Nam Phi, nơi biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện, đỉnh điểm số ca tử vong trong đợt sóng Omicron vẫn chưa đến 1/5 số người trong đợt sóng do biến thể Beta gây ra tại quốc gia này vào tháng 1/2021.
Ông Paul Glasziou, Giám đốc Viện chăm sóc sức khỏe Nam Phi, dựa trên bằng chứng tại Đại học Bond ở Australia, đã ước tính, số người chết vì biến thể Omicron chỉ chiếm khoảng 1/3 so với biến thể Delta đối với những người chưa tiêm phòng. Đồng thời, đối với những người đã được tiêm phòng, số người chết vì Omicron cũng vẫn ít hơn so với bệnh cúm.
Ông Ooi Eng Eong, một giáo sư về các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y Duke-NUS ở Singapore tin rằng, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao có thể bắt đầu giảm bớt các hạn chế được đặt ra trước khi có vaccine.
“Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc mỗi quốc gia cần chuẩn bị cho việc thu hẹp các hạn chế. Nếu không, những quan niệm sai lầm cùng với thông tin sai lệch có thể dẫn đến sự mất niềm tin vào các cơ quan y tế công cộng, điều này có thể làm xói mòn nhanh chóng bất kỳ chương trình phòng, chống Covid-19 nào”, ông Ooi nói.
Trong khi đó, ông Thira Woratanarat, một nhà dịch tễ học tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok lại cho rằng, ông không tin các quốc gia châu Á đang phản ứng quá mức đối với biến thể Omicron. “Nếu họ kiểm soát dịch bệnh một cách lỏng lẻo, khi nó bùng phát đột ngột với tốc độ nhanh chóng, họ sẽ gặp phải thảm họa và khó có thể kiểm soát được tình hình” - ông Woratanarat nói.