Ngày 30/6, tại TP HCM, Trường Đại học Luật TP HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức – Những điểm mới và định hướng áp dụng”, với sự tham dự của hơn 100 luật gia, luật sư, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và cơ quan quản lý khu vực phía Nam.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học, PGS. TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Luật TP HCM cho biết, việc làm rõ những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 không chỉ nêu ra những vấn đề cần được quy định chi tiết trong quá trình hướng dẫn thi hành Luật mà có tính dự báo vướng mắc có thể sẽ bắt gặp trong quá trình áp dụng (sau khi có hiệu lực từ ngày 1/7/2020).
Đó là các vấn đề về tính hợp lý và sự cần thiết thu hẹp phạm vi công chức; vì sao không coi những người lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập là công chức; làm sao để việc tuyển dụng công chức công khai, minh bạch, công bằng hơn, hạn chế tiêu cực, thực sự thu hút được người tài;…
Tại hội thảo, các ý kiến cũng góp ý về chính sách trọng dụng người tài năng cần được cụ thể hóa như thế nào; vấn đề làm sao để đánh giá công chức, viên chức một cách khách quan, công bằng, hạn chế cào bằng. Ngoài ra, những vấn đề đặt ra đối với việc bỏ hợp đồng làm việc không thời hạn của viên chức; các biện pháp bảo đảm việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thực sự nghiêm minh, đúng pháp luật cũng được làm rõ.
Các ý kiến chuyên gia cũng đặt ra định lượng về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; cơ sở lý luận và pháp lý cũng như vướng mắc có thể phát sinh khi xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.
Tại Hội thảo khoa học, bà Phan Thị Bình Thuận (Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM) cho biết, khi thông qua Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi đặt ra vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc thì xử lý như thế nào. Đây là điều khoản mang tính ngoại lệ, có tính chính trị nhất định, đặc biệt cần thiết cho bối cảnh phòng chống tham nhũng quyết liệt hiện nay, nhằm phòng ngừa, răn đe.
Phản biện về quá trình sửa đổi, bổ sung luật này, ông Nguyễn Hữu Hùng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước có ý kiến cho rằng, Luật Cán bộ công chức là Luật có nhiều nội dung phức tạp, do đó trên thực tiễn còn nhiều khó khăn trong việc tiếp thu và áp dụng. Việc luật hóa các văn bản của Đảng, chuyển từ kỷ luật Đảng sang kỷ luật Nhà nước nhằm tránh khó khăn, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tránh khập khiễng.
Để xem xét và đánh giá sự đồng bộ giữa kỷ luật Đảng và kỷ luật Nhà nước, ThS Trần Thị Thu Hà (Trường Đại học Luật TP HCM) đánh giá: sự đồng bộ giữa các quy định về kỷ luật Đảng và quy định về kỷ luật nhà nước là cần thiết khi ở nước ta, đa số cán bộ, công chức, viên chức là Đảng viên. Đảm bảo sự tương thích giữa quy định của Đảng và Nhà nước về vấn đề này nhằm đảm bảo tính hợp lý, hài hòa của cả hai quy trình kỷ luật, là sự “song kiếm hợp bích” nhằm đảm bảo sự thống nhất về sức mạnh của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng cam go, phức tạp hiện nay.
Theo BTC Hội thảo khoa học, những nội dung chủ đạo từ các tham luận; ý kiến tham vấn, phản biện của các đại biểu, chuyên gia sẽ được BTC tổng hợp, đề xuất gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức trong thời gian tới.