Bóng đá nước nhà được kỳ vọng sẽ có những điểm bứt phá sau thành công của Đại hội Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF khóa 9, với sự có mặt của những gương mặt mới: Tân chủ tịch Trần Quốc Tuấn và 3 tân Phó Chủ tịch. Sớm hướng đến sân chơi World Cup là mục tiêu và thách thức cho bộ máy lãnh đạo VFF nhiệm kỳ tới.
Theo đó, 3 tân Phó Chủ tịch là các ông Trần Anh Tú (phụ trách chuyên môn), Nguyễn Trung Kiên (phụ trách tài chính và vận động tài trợ) và Nguyễn Xuân Vũ (phụ trách truyền thông và đối ngoại). Bóng đá Việt Nam khóa 8 của VFF đã chứng kiến giai đoạn thành công chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam với hàng loạt kỳ tích, từ đội tuyển nam tới đội tuyển nữ, từ futsal tới các đội tuyển quốc gia trẻ, và đây sẽ là tiền đề để khóa 9 của VFF bứt phá mạnh mẽ. Dù thừa kế những thành công trước của khóa 8, song khó khăn và thách thức của VFF khóa 9 là không hề nhỏ.
Chính thức trở thành tân Chủ tịch VFF khóa 9, ông Trần Quốc Tuấn (quyền Chủ tịch VFF khóa 8) khẳng định BCH khóa 9 sẽ có nhiệm vụ kế thừa và phát huy những gì mà bóng đá Việt Nam đã đạt được trong 4 năm qua. “Tôi rất vinh dự được Đại hội tín nhiệm với vị trí Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Đây là một trong những vị trí quan trọng và áp lực lớn. Trong chu kỳ thể thao, cần có sự tính toán để duy trì thành tích và tạo ra sức bật, mục tiêu chính là hướng đến World Cup 2026 và 2030” - Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tuấn, theo chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam mà Thủ tướng phê duyệt, chúng ta phấn đấu đưa bóng đá Việt Nam lọt vào top 10 châu Á và sớm có mặt tại vòng chung kết World Cup. Nhiệm vụ này áp lực và đòi hỏi bộ máy mới VFF cần có quyết định mang tính đột phá. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (LĐBĐVN) đã có sự chuẩn bị 4 năm qua, như việc đội tuyển Việt Nam có mặt ở vòng loại thứ 3. Đây là cơ hội quý báu để chúng ta được thi đấu với đội bóng mạnh ở giải đấu chính thức và thu được nhiều kinh nghiệm. Trong thời gian tới, đội tuyển Việt Nam sẽ phát huy ở nhiều giải đấu lớn.
Đồng quan điểm, tân Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú chia sẻ: “Tôi vừa mừng nhưng cũng vừa lo khi đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF khóa mới. Tôi cũng có đôi chút áp lực vì những thành tích của khóa trước. Bóng đá Việt Nam chưa từng đạt được thành công rực rỡ trước đó. Đây là thách thức lớn với cả Ban chấp hành”.
Bất ngờ lớn nhất tại Đại hội VFF lần này chính là việc ông Nguyễn Trung Kiên giữ chức danh Phó Chủ tịch tài chính, ông Nguyễn Xuân Vũ giữ chức danh Phó Chủ tịch truyền thông VFF khóa 9. Tại Đại hội 9, hai vị trí Phó Chủ tịch tài chính và truyền thông, mỗi vị trí có hai ứng viên tham gia tranh cử. Việc ông Kiên và ông Vũ “đánh bại” hai ông Lê Văn Thành và Cao Văn Chóng được coi là bất ngờ lớn nhất tại Đại hội VFF khóa 9. Sau khi chính thức trở thành tân Phó Chủ tịch phụ trách Truyền thông và Đối ngoại LĐBĐVN, ông Vũ cho biết, dự định sẽ tăng cường, quan tâm đến việc truyền thông ở những giải ngoài chuyên nghiệp. Trong khi đó, ông Kiên cho hay: “Tôi rất vinh dự khi nhận được sự tín nhiệm từ các đơn vị tổ chức thành viên. Tôi sẽ cố gắng cùng Thường trực và BCH LĐBĐVN, hướng tới cam kết ban đầu như đã đưa ra. Trước khi tranh cử, tôi cũng chia sẻ với giới truyền thông về việc doanh thu của LĐBĐVN sẽ tăng trưởng 50%. Tôi sẽ xây dựng kế hoạch, phối hợp với Ban lãnh đạo, các phộ phận chuyên môn để hướng tới điều đó”.
Ngay sau khi Đại hội kết thúc, tại cuộc họp lần thứ nhất của nhiệm kỳ 2022- 20219, trên cơ cở đề nghị của Chủ tịch LĐBĐVN Trần Quốc Tuấn, các Ủy viên BCH đã thống nhất thông qua việc bổ nhiệm ông Dương Nghiệp Khôi làm Tổng Thư ký LĐBĐVN khóa IX. Ông Lê Hoài Anh, người giữ chức Tổng thư ký khóa VII và VIII được giao đảm trách vai trò Trợ lý Chủ tịch LĐBĐVN Trần Quốc Tuấn. Bên cạnh đó, những chiếc ghế Ủy viên BCH khóa 9, hay chức danh khác cũng nhanh chóng chọn lựa được người xứng đáng. Nhìn vào danh sách 17 nhân vật chủ chốt của VFF khóa 9, người hâm mộ bóng đá Việt Nam có lý do để kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng của bóng đá nước nhà.