Câu chuyện thiếu thuốc, vật tư y tế và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong lĩnh vực y tế giáo dục đã được nhiều đại biểu đề cập trong những ngày đầu của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
1.Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bày tỏ: "Tôi làm giám đốc bệnh viện trực tiếp đương đầu với khó khăn thì thấy việc giải quyết không phải quá khó, nhưng cách xử lý còn quá chậm, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, có nguy cơ tạo hệ lụy khôn lường bởi các bệnh viện không có thuốc. Chúng tôi đã viết, chỉ rõ những gì cần sửa đổi trong thông tư, nghị định. Hiện nay có rất nhiều câu hỏi là trước dịch việc mua thuốc, vật tư trang thiết bị không vấn đề gì, nhưng hết dịch mua lại khó do những thông tư, nghị định vừa mới ra đời đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc mua sắm".
Trong hơn 2 năm qua, khối giáo dục có số lượng người xin thôi việc là 16.427 người, chiếm 41,53%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 49 %, độ tuổi dưới 40 chiếm khoảng 60 %. Đối với lĩnh vực y tế trong 2,5 qua có có 12.198 người, chiếm tỷ lệ trong tổng số viên chức nghỉ việc là 30,84% và độ tuổi từ 40 trở xuống là 74,72%; có trình độ đại học trở lên là 65,27%.
Vẫn theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, cần nhanh chóng sửa chữa những bất cập đã được nêu rõ. Hình thức đấu thầu thuốc hóa chất, vật tư tiêu hao hiệu quả nhất lúc này theo ông phải quay lại "cái cũ", tức là giao lại trực tiếp cho đơn vị sử dụng chứ đấu thầu tập trung tất cả các nơi đều khó khăn. Vì, bệnh viện là nơi sử dụng trực tiếp nên sẽ hiểu rõ nhất nhu cầu, số lượng, chất lượng những mặt hàng cần mua. Quy định hiện hành thì chung chung, chủ yếu dùng giá để khống chế nên nhiều khi mua hàng giá rẻ, chất lượng không cao.
Từng là Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu tình trạng hàng loạt nhân viên y tế xin nghỉ việc, rồi chưa giải quyết được vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. “Cả ngành y tế và người dân đang bức xúc vì thiếu thuốc, thiếu từng cái băng gạc mà dân phải đi mua và bảo hiểm y tế không thanh toán, khiến quyền lợi người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chúng ta chưa làm tốt việc chăm sóc sức khỏe nhân dân”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bức xúc.
Theo đại biểu, nguyên nhân của thực trạng này là cơ chế, quản lý chưa tốt, tâm lý "sợ làm là bị phát hiện sai". Dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30 về cơ chế đặc thù chống Covid-19, nhưng khi triển khai, giữa các đơn vị thanh tra, kiểm toán, công an "chưa nhìn nhận lẫn nhau, làm chùn bước những người muốn làm việc hiệu quả". Chúng ta đã nói về vấn đề xã hội hóa y tế nhưng chuyện này vẫn chưa được giải quyết. “Cần phải làm rõ, nói thẳng, nói thật để tân Bộ trưởng Bộ Y tế thấy rõ và tìm giải pháp khắc phục. Là do cơ chế và do quản lý của chúng ta chưa tốt. Đơn cử vấn đề thiếu thuốc, nói nhiều, họp nhiều, nhưng vẫn thiếu thuốc, vậy gốc rễ ở đâu, phải chỉ rõ và khắc phục.
Nhìn vào thực tế, bà Phong Lan nói: Về mức tiền lương của nhân viên y tế, thực trạng là nhân viên ngành y bỏ việc nhiều, ai cũng thấy cần phải có chính sách, tăng lương, nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách nào được thực thi.
Còn đại biểu Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy dẫn chứng, theo quy định, khi đấu thầu phải tham khảo 3 gói giá. Nhưng khi mua máy cao cấp, chỉ có một hãng độc quyền thì không có gói giá khác để tham khảo, do đó đang có thực trạng là máy móc cao cấp ở các bệnh viện hư hỏng nhưng rất khó sửa chữa. “Thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, nên hậu quả lại đổ lên người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo, vì người có tiền thì có thể ra bệnh viện tư chữa trị, nhưng người dân nghèo thì không”, ông Thức nói.
2.Thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) đề cập tới băn khoăn của cử tri trước tình trạng 40.000 công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc trong 2,5 năm qua. Theo ông Khánh, đáng chú ý nhất là công chức, viên chức ngành giáo dục và y tế xin chuyển việc, nghỉ việc. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lực lượng lao động vào làm việc trong hai ngành này gặp nhiều khó khăn. Trong đó, lý do chính vẫn là áp lực công việc và thu nhập thấp.
Nêu ví dụ một bác sĩ học chuyên khoa ở Hà Nội đi làm thêm buổi tối cũng được trả mấy trăm nghìn đồng mỗi ca. Trong khi đó, lương của bác sĩ ở Lai Châu chỉ theo ngạch, bậc lương công chức, viên chức.
Cũng vẫn đại biểu Nguyễn Quốc Khánh nêu, lương giáo viên ở vùng sâu vùng xa cũng rất thấp, trong khi đó điều kiện đi lại khó khăn. Vì vậy, trong 5 năm trở lại đây nhiều giáo viên đã xin về dưới xuôi để làm việc. Rồi, mỗi tỉnh lại có một chính sách, cơ chế thu hút, đãi ngộ riêng thì cán bộ, công chức, viên chức không muốn đến các tỉnh miền núi làm việc là đương nhiên.
Tình trạng viên chức trong ngành y tế thôi việc hoặc bỏ việc làm ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc y tế, khám chữa bệnh khu vực công và gây lo ngại cho dư luận xã hội ngay sau thời gian dài chống dịch Covid-19. Điều này đã được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu trong báo cáo thẩm tra kinh tế- xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp. Thay mặt Ủy ban Kinh tế, ông Thanh cho biết, Ủy ban đề nghị có đánh giá kỹ lưỡng về nguyên nhân công chức, viên chức không chỉ của ngành giáo dục, y tế bỏ việc hoặc thôi việc để làm căn cứ đưa ra giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng nhắc đến việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được khắc phục triệt để. Một số địa phương còn bị động trong nguồn tuyển giáo viên; đời sống của một bộ phận giáo viên còn gặp nhiều khó khăn; còn hiện tượng lạm thu một số quỹ phụ huynh học sinh đầu năm học tạo gánh nặng lớn đối với gia đình khó khăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề cập đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng rất lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong các nguyên nhân của tình trạng này có việc xử lý vi phạm của một bộ phận công chức, viên chức y tế đã tạo ra tâm lý e ngại, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám mua sắm của các địa phương, đơn vị.
3.Cũng tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu một số thông tin đáng chú ý liên quan đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc thời gian qua nhất là ở hai lĩnh vực y tế và giáo dục.
Khái quát nguyên nhân của thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, nguyên nhân do yếu tố khách quan, tác động của đại dịch Covid- 19 rất nặng nề, đặc biệt đối với nhân viên y tế, trong bối cảnh cực kỳ nguy hiểm và vô cùng rủi ro của dịch bệnh. Thêm vào đó, đời sống chế độ chính sách hỗ trợ cho lực lượng nhân viên y tế chưa đáp ứng được mong muốn. Đối với ngành giáo dục phải thay đổi phương thức làm việc. Trước đây họ lên lớp, giảng dạy theo một phương thức truyền thống nhưng khi xảy ra đại dịch Covid-19, họ phải thay đổi phương thức làm việc. Điều này tự nhiên tạo nên áp lực rất lớn với viên chức giáo dục.
Về giải pháp, bà Trà nhấn mạnh phải tập trung quan tâm nâng cao được đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc điều chỉnh mức lương cơ sở cũng là một trong những giải pháp giảm bớt khó khăn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.