Không có doanh thu nghìn tỷ hay tạo nên “cơn sốt” tại phòng vé, tuy nhiên nhiều bộ phim tài liệu của Việt Nam được sản xuất trong thời gian qua đang tạo ra những hiệu ứng, sức hút đặc biệt tới khán giả.
Những thước phim quý giá
Nếu như phim điện ảnh hay phim truyền hình phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thì trong thời gian qua phim tài liệu của Việt Nam lại đang tạo nên những “làn gió mới” với nhiều sản phẩm chất lượng, gây tiếng vang. Ở đó, các bộ phim không chỉ tạo nên những cảm xúc cho khán giả mà còn lan toả những thông điệp về cái đẹp, lên án những cái xấu, cũng như phản ánh thông tin thời sự của đất nước. Có thể kể đến các bộ phim như: Ranh giới, Đoạn trường vinh hoa, Màu cỏ úa, Kỷ vật người lính, Sky tour movie, Ánh sáng của con, Đại thi hào Nguyễn Du, Con đường đã chọn…
Đại dịch khó khăn là thế, nhưng tinh thần sáng tạo, vượt khó đã giúp những nhà làm phim tài liệu Việt Nam có nhiều bứt phá ngoạn mục. Ở đó, những người làm phim đã kịp thời điều chỉnh các phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim để thích ứng hoàn cảnh mới. Không chỉ đa dạng về đề tài mà các bộ phim còn cho thấy được sự dấn thân của những nhà sản xuất, đạo diễn để mang đến những thước phim quý giá cho khán giả.
Đơn cử như trước bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều ê kíp đã bất chấp nguy hiểm, đi vào tâm dịch để ghi lại những hình ảnh chân thực, khốc liệt và đầy xúc động. Trong đó, không thể không nhắc tới bộ phim “Ranh giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã trở thành “bom tấn” khi chuyển tải những hình ảnh “lịch sử” tại bệnh viện dã chiến. Với thủ pháp phi hư cấu, không lời bình, bám theo sự kiện, câu chuyện, nhân vật.
Ngoài ra còn có thể kể đến bộ phim “Chuyện ở thành phố thức” (3 tập) kể câu chuyện của lực lượng chống dịch làm việc trong đêm, câu chuyện thở của bệnh nhân mắc Covid-19 và việc cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân. “Cuộc chiến không giới hạn”, “Cùng nhau vượt qua đại dịch”, “Lựa chọn của tôi”... mang đến góc nhìn đa chiều về cuộc sống mùa dịch với những hiểm nguy, nhọc nhằn và cả sự sẻ chia ấm áp. Mới đây, đạo diễn Nguyễn Quang Hải cũng vừa cho ra mắt khán giả bộ phim “Những chiến binh thầm lặng” là những câu chuyện của các tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch cùng các gia đình có thân nhân mắc bệnh nặng hoặc qua đời.
Không chỉ thành công ở trong nước, phim tài liệu Việt Nam còn đang tạo ra những dấu ấn tại các Liên hoan phim quốc tế. Mới đây, thông tin nữ đạo diễn 9x Hà Lệ Diễm đoạt giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” và giải đặc biệt của Ban giám khảo ở hạng mục phim đầu tay tại Liên hoan phim tài liệu Amsterdam 2021 với bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” đã minh chứng cho thấy phim tài liệu đang có một thế hệ những nhà làm phim trẻ đầy nhiệt huyết.
Hay việc bộ phim “Mùa xuân vĩnh cửu” của đạo diễn Việt Vũ sau khi giành chiến thắng tại Liên hoan phim Quốc tế Cork lần thứ 66 tại Ireland đã đủ điều kiện góp mặt tại đề cử “Phim tài liệu ngắn xuất sắc” tại giải thưởng danh giá Oscar 2022 đã tạo ra một tín hiệu khởi sắc cho điện ảnh Việt nói chung và phim tài liệu nói riêng.
Những tín hiệu tích cực
Có thể nói, sau một thời gian bị cho là dòng phim “kén khán giả”, phim tài liệu Việt Nam đang tạo nên sự đảo chiều ngoạn mục. Thậm chí, nhiều bộ phim tài liệu còn thu hút được lượng người xem hơn hẳn các sản phẩm điện ảnh được đầu tư tiền tỷ. Đặc biệt, thời gian qua ngoài phát sóng trên truyền hình một số bộ phim tài liệu như “Chuyện ngày hôm qua” được trình chiếu tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia và rạp của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Trước đó các bộ phim như “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Lửa Thiện Nhân”, “Đáng sống”... cũng đã mạnh dạn ra rạp.
Với vai trò là giám khảo hạng mục phim tài liệu - khoa học tại Liên hoan phim lần thứ 22, đạo diễn Đặng Thái Huyền nhìn nhận, sau gần 2 năm vất vả vì đại dịch Covid-19, ngành điện ảnh nói riêng và các ngành khác nói chung đều gặp những khó khăn, khủng hoảng. Tuy nhiên ở vị trí giám khảo tại Liên hoan phim, tôi cũng như các giám khảo khác đều rất vui vì chất lượng các tác phẩm phim tài liệu không hề sụt giảm mà còn rất thăng hoa, sáng tạo. Đa dạng, nhiều màu sắc về đề tài, nội dung, cách thể hiện. Đặc biệt trong một số tác phẩm thấy sự hy sinh, lăn xả, tận hiến vì tác phẩm của các đồng nghiệp.
Cũng theo đạo diễn, nhiều tác phẩm phim năm nay có tính nghệ thuật cao về thủ pháp thể hiện, cách truyền tải và các góc máy rất đắt giá. Nội dung phim mang hơi thở cuộc sống, phản ánh được tình hình đất nước và con người Việt Nam trong một giai đoạn khó khăn, đặc biệt. Và quan trọng nhất là tính nhân văn trong mỗi câu chuyện, mỗi thân phận người được các nhà làm phim đưa lên màn ảnh chạm được đến cảm xúc của người xem.
Đồng quan điểm, NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương nhìn nhận, phim tài liệu luôn đồng hành cùng cuộc sống. Chính vì lẽ đó, để tồn tại, phát triển thì người làm phim phải có những thay đổi để phù hợp với trình độ, mong muốn của xã hội. Gần đây xuất hiện rất nhiều đạo diễn trẻ, họ đã có những tác phẩm tốt, mang hơi thở thời đại và có chỗ đứng trong lòng khán giả, đó là tín hiệu đáng mừng cho phim tài liệu Việt Nam.
NSƯT Trịnh Quang Tùng cho rằng, cách làm phim tài liệu hiện nay cũng đã có nhiều thay đổi. Các nhà làm phim cố gắng không sử dụng lời bình mà dùng lời kể, hoặc phỏng vấn, dùng hình ảnh để kết nối mạch câu chuyện, tuy không mới với thế giới nhưng với chúng ta thì ít nhiều đã thấy sự khác so với cách làm trước đó. Đa phần các bộ phim không sử dụng lời bình đều mang lại một gia vị mới, làm phong phú thêm món ăn quen thuộc của chúng ta…
“Để thực hiện những bộ phim tài liệu giá trị, nhận được sự đồng cảm của khán giả, các nhà làm phim phải chịu khó học hỏi, tìm tòi cách thể hiện mới, tiếp cận công nghệ hiện đại, tận dụng nền tảng số để lan tỏa đến khán giả trẻ” - NSƯT Trịnh Quang Tùng nói.