Một người mẹ bỏ bữa để có đủ thức ăn cho 2 đứa con. Một người đàn ông 60 tuổi mỗi ngày chỉ được ăn 1 bữa. Người dân liều mạng ra khỏi nhà để tìm kiếm thức ăn, bất chấp nguy cơ bị trúng đạn pháo.
Nguy cơ về nạn đói
Đây là những hoàn cảnh ở các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến tranh ở Sudan, bao gồm các khu vực ở thủ đô Khartoum và khu vực phía Tây Darfur. Theo Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp - một chỉ số an ninh lương thực được công nhận trên toàn cầu, số người Sudan phải đối mặt với nạn đói ở mức độ khẩn cấp (giai đoạn trước nạn đói) đã tăng hơn gấp 3 lần trong một năm lên gần 5 triệu người.
Tại thủ đô Khartoum, hàng trăm nghìn người phải vật lộn hàng ngày để tìm thức ăn khi các bếp ăn chung mà họ phụ thuộc đang bị đe dọa bởi nguồn cung cạn kiệt và mất điện liên lạc trên khắp đất nước trong những tuần gần đây. Ở Darfur, một số khu vực đã không nhận được bất kỳ viện trợ nào kể từ khi Quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) tham chiến gần một năm trước.
Các cơ quan viện trợ cho biết, họ không thể cung cấp thực phẩm đến nhiều khu vực của đất nước bị chiến tranh tàn phá này và cảnh báo rằng, nạn đói sẽ trở nên tồi tệ hơn khi mùa đói từ tháng 4 đến tháng 7 của Sudan đến gần - thời điểm lượng lương thực sẵn có thấp vì chưa đến mùa thu hoạch.
Ông Jan Egeland - người đứng đầu Hội đồng tị nạn Na Uy cho biết, trong một cuộc phỏng vấn sau khi đến thăm các trại ở Chad vào giữa tháng 2 năm nay: “Người Sudan đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng về nạn đói”.
Tại Al Fiteihab - một quận ở thành phố Omdurman bên kia sông Nile từ Khartoum, tuyến đầu trong cuộc chiến giữa Quân đội Sudan và RSF, người dân tìm kiếm thực phẩm cho biết, họ đã phải bất chấp nguy hiểm từ các trạm kiểm soát của RSF cũng như hỏa lực pháo binh và bắn tỉa từ cả 2 bên.
Các cơ sở điện và nước đã bị hư hại trong cuộc giao tranh khiến người dân bị mất điện và nước sinh hoạt. Nhiều người bị tiêu chảy sau khi phải uống nước sông Nile chưa qua xử lý. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã báo cáo hơn 10.000 trường hợp nghi mắc bệnh tả trên khắp đất nước kể từ khi chiến tranh bùng nổ.
Tình nguyện viên Mohieldin Jaafar đến từ “phòng ứng phó khẩn cấp” - một mạng lưới cung cấp thức ăn và sơ tán cư dân ở các khu vực trên khắp đất nước cho biết, trong nỗ lực nuôi sống hàng nghìn cư dân ở Al Fiteihab, họ đã thành lập các bếp nấu súp ngay từ đầu cuộc chiến, phục vụ cháo, cơm và bánh mì dẹt 1 hoặc 2 lần một ngày. Nhưng các bếp ăn chung đã buộc phải cắt giảm những bữa ăn này khi một cuộc bao vây của RSF trong khu vực đã cắt đứt nguồn cung cấp của họ vào tháng 7 năm ngoái.
Hạn hẹp nguồn viện trợ
Trước cuộc xung đột, Khartoum gần như hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cuộc giao tranh tàn phá Darfur. Nhưng người dân ở nhiều khu vực thủ đô giờ đây thấy mình bị mắc kẹt trong vùng chiến sự giữa quân đội và RSF.
Theo những tình nguyện viên đã trốn thoát khỏi khu vực này vào cuối năm ngoái, bên kia sông Nile từ Al Fiteihab, khoảng 2.800 người đang bị mắc kẹt tại các khu vực xung quanh căn cứ của Quân đội Sudan ở khu phố Al Shajarah ở Khartoum.
Tình nguyện viên Gihad Salaheldin cho biết, sau khi hết lương thực, những người đàn ông bắt đầu lẻn ra ngoài khi màn đêm buông xuống để tìm kiếm nguồn cung cấp. Người dân cũng đã uống nước chưa qua xử lý từ sông Nile.
Trên khắp thủ đô Khartoum, tình trạng mất liên lạc đã buộc các bếp ăn tập thể phải tạm dừng hoạt động vì họ không thể nhận tiền quyên góp gửi qua ứng dụng ngân hàng di động nữa. Các “phòng ứng phó khẩn cấp” cho biết, họ đã buộc phải đóng cửa 221 căn bếp trong số này vì mất điện.
Gần đây, các khoản quyên góp lại bắt đầu nhỏ giọt khi các tình nguyện viên thỉnh thoảng lại truy cập được Internet. Tuy nhiên, rất ít viện trợ quốc tế đến được Sudan khi các cơ quan nhân đạo phải chật vật để có được giấy phép nhập cảnh và vận chuyển cần thiết từ chính quyền. Mỹ và Liên minh Châu Âu đã chỉ trích cả quân đội và RSF về sự thất bại trong phân phối viện trợ.
Theo người dân và các cơ quan viện trợ, nhiều vùng ở Darfur đã không nhận được viện trợ kể từ trước khi chiến tranh bắt đầu. Tuy nhiên, một quan chức LHQ cho biết, sau khi ngăn chặn việc viện trợ từ Chad vào Darfur trước đó, ngày 5/3, chính quyền Sudan đã đồng ý chuyển viện trợ qua cửa khẩu biên giới vào Bắc Darfur.
Một đánh giá của Tổ chức Bác sĩ không biên giới vào tháng 1 cho thấy, tại trại di dời Zamzam ở Bắc Darfur - nơi sinh sống của khoảng 400.000 người, ước tính cứ 2 giờ lại có 1 trẻ em tử vong. Nhóm này nhận thấy, gần 40% trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi bị suy dinh dưỡng.
Theo ông Egeland, nếu viện trợ không sớm đến Darfur, đây sẽ là “bản án tử hình đối với hàng triệu người đang trông chờ vào nó”. Theo các nhân viên cứu trợ và người dân, tại trại Kalma ở Nam Darfur - nơi có hàng trăm nghìn người phải di dời, người lớn đang phải vật lộn để sinh tồn bằng cháo lúa miến và nước, trong khi trẻ em suy dinh dưỡng đang bị nhiễm trùng và sốt rét.
Mohammed Omar - một cư dân ở Kalma cho biết, ông và gia đình đã phải di dời 4 lần kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Hiện ông chỉ nhận được 1 bữa ăn mỗi ngày là 1 chiếc bánh bao làm từ bột lúa miến và nước.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, cho đến nay, cuộc chiến ở Sudan đã giết chết hơn 14.000 người và khiến hơn 8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, khiến Sudan trở thành cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế giới.