Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, tác giả những ca khúc nổi tiếng như “Đoàn vệ quốc quân”, “Thuyền và biển”, “Sợi nhớ sợi thương” đã qua đời ở tuổi 91 vào lúc 10h15’ sáng 29-6 tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
Ảnh:Thư Hoàng
Phần lớn các ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là nhạc cách mạng, nổi tiếng như bài “Đoàn vệ quốc quân” viết cuối 1945. Tuy nhiên, là người nhạc sĩ đa tài, đa phong cách cũng có nhiều ca khúc trữ tình đặc sắc được công chúng đón nhận nhiệt liệt và trở thành di sản âm nhạc của Việt Nam. Ông được mệnh danh là “Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam” và được Nhà nước Việt Nam trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh ở lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940 trong nhóm tân nhạc. Sau ca khúc đầu tay “Trầu cau”, những sáng tác của ông được biết rộng rãi là bài “Mùa đông binh sĩ” được viết khoảng giữa thập niên 1940. Trong kháng chiến chống Pháp, Phan Huỳnh Điểu gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu 5. Thời gian này ông viết một số ca khúc như: “Nhớ ơn Hồ Chủ tịch”, “Quê tôi ở miền Nam”... Năm 1955, tập kết ra Bắc, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu công tác ở Ban Nhạc vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam. Khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm 1957, ông được cử vào Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam và công tác tại Hà Nội. Tháng 12-1964, Phan Huỳnh Điểu vào chiến trường Trung Trung Bộ ở trong Ban Văn nghệ Khu. Thời gian đó ông viết bản hành khúc “Ra tiền tuyến” với bút danh Huy Quang. Sau 1975, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc TP.HCM và sống ở đó.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu còn nổi tiếng là người phổ thơ. Theo nhạc sĩ Trương Quang Lục: “Năm 1946, Phan Huỳnh Điểu thử phổ nhạc một bài thơ “Những người đã chết” (Tế Hanh) nhưng không thành công. Năm 1949, ông phổ bài thơ “Điệu buồn” (Huy Cận) có khá hơn. Sau đó, thỉnh thoảng ông lại chọn thơ để phổ nhạc nhưng ít phổ biến, phải đến thời kháng chiến chống Mỹ và từ khi thống nhất đất nước, ca khúc phổ thơ của ông mới nở rộ thành công tốt đẹp. Năm 1959, đọc bài thơ “Bóng cây Kơnia” (Ngọc Anh), Phan Huỳnh Điểu rất thích, đem phổ nhạc, nhưng nghe không màu sắc Tây Nguyên, đành bỏ dở tác phẩm. Từ 1964 đến 1970, ông đi B, ở chiến trường Tây Nguyên, thấm dần tiếng đàn, tiếng hát của bà con dân tộc. Sau đó trở ra Hà Nội, ông đọc lại bài thơ “Bóng cây Kơnia”, cảm xúc chợt dâng trào, dòng nhạc như tuôn chảy. Và ca khúc “Bóng cây Kơnia” ra đời vào tháng 8-1971. Qua giọng hát của cô ca sĩ trẻ người Bana Măng Thị Hội, bài hát này vang mãi vượt không gian và thời gian”. Cũng theo nhạc sĩ Trương Quang Lục, trong năm 1971, khi ở chiến trường ra, Phan Huỳnh Điểu phải vào nằm bệnh viện, đọc “Bài thơ tình yêu” (Dương Hương Ly). Ông rất thích đoạn cuối của bài thơ liền phổ nhạc thành ca khúc “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, giai điệu lạc quan vui tươi ra đời ngay trên giường bệnh. Năm 1979, nhạc sĩ Pham Huỳnh Điểu viết ca khúc “Tình yêu thì thầm” phổ thơ Diệp Minh Tuyền, ca khúc “Thư tình cuối mùa thu” ra đời năm 1980 phổ thơ Xuân Quỳnh… Những bài thơ hay qua tài năng của Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã vang lên thành những giai điệu mượt mà, trữ tình, khiến bao thế hệ yêu mến. Ngoài ra, ông còn sáng tác một số tác phẩm dành cho thiếu nhi, tiêu biểu là: “Đội kèn tí hon”, “Nhớ ơn Bác”...
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mất khi ông đang làm giám khảo cuộc thi “Tiếng hát mãi xanh” năm 2015 của Đài Truyền hình TP.HCM. Do ông qua đời bất ngờ nên gia đình chưa định ngày giờ tẩm liệm và an táng. Hiện thi hài nhạc sĩ được đưa về nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM.