Tác nghiệp trong tâm dịch

ĐOÀN ĐẠI TRÍ 24/01/2022 14:00

Lần đầu tiên trong lịch sử, hàng triệu người dân TP Hồ Chí Minh phải tạm dừng hầu hết các hoạt động thông thường, hàng chục ngàn người lính tỏa đi khắp các ngóc ngách mang theo nhu yếu phẩm, đồ ăn hàng ngày trong một “cuộc chiến” đặc biệt với dịch bệnh. Đó cũng là lúc những người làm báo, với nhiệm vụ đặc thù truyền tải thông tin trung thực ra đường để ghi lại quãng thời gian khó khăn, bất an nhưng cũng vô cùng đặc biệt này.

Nhà báo Đoàn Đại Trí trong một lần tác nghiệp.

Trong đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, TP HCM đã phải thực hiện giãn cách xã hội trong nhiều tháng, nhiều hoạt động phải tạm ngừng. Thế nhưng, dòng chảy thông tin hàng ngày, thậm chí là nhiều thông tin hơn, đa chiều, nhiều góc cạnh vẫn được những phóng viên Báo Đại Đoàn Kết âm thầm chuyển tải. Khi ấy, với chúng tôi mỗi ngày ra khỏi nhà là một quyết định phải cân nhắc, mỗi khi trở về là một tiếng thở như trút nỗi âu lo.

Cũng như nhiều người khác, thú thực tôi cũng có đôi lần cảm thấy bất an, nhất là khi tới đưa tin, ghi hình ở những “điểm nóng” Covid-19 với hàng trăm ca được ghi nhận. Rất nhiều sự kiện, khu vực mà khi xuất hiện phóng viên phải thực hiện việc test Covid-19 để tham gia. Kể từ cuối tháng 6 cho tới cuối tháng 8, những hoạt động thông thường của hầu hết người dân đều lần lượt được dừng lại để phục vụ công tác chống dịch.

Số lượng người ra khỏi nhà, di chuyển trên đường thời gian này cũng rất ít. Ngoài lực lượng tuyến đầu chống dịch, những người có nhiệm vụ đặc biệt thì những phóng viên là nhóm người được phép di chuyển nhiều, chỉ với mục đích cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời nhất đến người dân thành phố, người dân cả nước.

Nhưng khi nhớ lại quãng thời gian ngắn ngủi nhưng cảm giác dài bất tận ấy, chúng tôi thực sự thấy bản thân mình vô cùng nhỏ bé bên cạnh rất nhiều con người bằng xương bằng thịt khác. Đó có thể là cô sinh viên chưa ra trường từ ngoài Hải Dương vào chống dịch, hay có thể là anh lính mới nhập ngũ từ vùng quê nghèo Bàu Bàng lần đầu tới TP HCM, cũng có thể là ông bác sĩ quân y về hưu nhất định tình nguyện đi lấy mẫu test nhanh, hay bác tài xế nghèo quê tận Kiên Lương xin tình nguyện chở F0 tới bệnh viện dã chiến....

Tất cả họ, với gương mặt lờ mờ sau tấm khẩu trang bịt kín và bộ đồ bảo hộ màu xanh quen thuộc như tiếp thêm sức mạnh để người làm báo dấn thân đưa thông tin đến người dân nhằm lan tỏa sự chia sẻ, đồng hành cả cộng đồng phòng chống dịch bệnh. Và ngòi bút vững vàng hơn trong dịch bệnh.

Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, rất nhiều sự kiện, thông tin cung cấp cho độc giả có thể được nhà báo thực hiện bằng các công nghệ và tác nghiệp từ xa. Nhưng có rất nhiều sự kiện, người làm báo buộc phải trực tiếp chứng kiến. Một phần vì sự trung thực của thông tin, một phần vì sự kịp thời và trách nhiệm với độc giả.

Dịch bệnh không chỉ mang đến bất an, lo lắng và thậm chí là sợ hãi. Dịch bệnh làm chúng tôi hiểu và chia sẻ thêm nhiều giá trị quý báu khác. Đó là khi chúng tôi làm cầu nối để những mạnh thường quân trao những món quà ý nghĩa, kịp thời và cần thiết đối với người dân. Đã từng nhiều ngày, một bó rau, củ cà rốt, ký khoai tây, nhúm hành ngò, túi ớt tươi cũng là một món quà vô giá, cần thiết biết bao với nhiều gia đình.

Vì vậy, những chương trình thiện nguyện, những thông tin dù nhỏ bé nhưng kịp thời đã mang đến không chỉ niềm vui mà đôi khi còn là sự hạnh phúc. Từ trong sâu thẳm trái tim, tôi cảm nhận được đó là sự cần thiết, kịp thời và ý nghĩa mà mình đã may mắn làm được.

Dịch bệnh cũng dần trở thành quen thuộc và không còn là nỗi e sợ quá mức khi mà hầu hết các hoạt động của thành phố đã “bình thường mới” trở lại. Ký ức về những ngày tháng tác nghiệp trong tâm dịch sẽ mãi là thời gian đáng nhớ của những người làm Báo Đại Đoàn Kết ở phía Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tác nghiệp trong tâm dịch