Vật liệu được sử dụng để làm đường là hỗn hợp nghiền nhỏ của khẩu trang loại dùng một lần và xà bần (gạch, vữa, đất, đá… sau khi dỡ bỏ các công trình cũ).
Các nhà khoa học tại Đại học RMIT đã nghiên cứu thành công phương pháp biến khẩu trang y tế khổng lồ bị thải ra môi trường thành vật liệu làm đường.
Vật liệu được sử dụng để làm đường là hỗn hợp nghiền nhỏ của khẩu trang loại dùng một lần và xà bần (gạch, vữa, đất, đá… sau khi dỡ bỏ các công trình cũ).
Theo thiết kế của nhóm nghiên cứu, phần đường được cấu tạo bởi 4 lớp gồm lớp đất nền tự nhiên, lớp nền, lớp lót nền và lớp nhựa đường trên cùng. Xà bần qua xử lý được xem là một loại bê tông tái chế tổng hợp và có thể sử dụng cho cả ba lớp nền.
Tỷ lệ trộn tối ưu nhất, là 1% khẩu trang nghiền với 99% bê tông tái chế tổng hợp, tạo nên độ gắn kết cao giữa hai loại vật liệu. Loại vật liệu này có thể đáp ứng các chỉ tiêu an toàn trong xây dựng công trình dân dụng.
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, bột khẩu trang giúp tăng thêm độ cứng và độ bền cho thành phẩm. Hỗn hợp vật liệu này có thể dùng để lót các lớp nền cho mặt đường và vỉa hè.
Nhóm nghiên cứu cho biết, sẽ cần đến 3 triệu chiếc khẩu trang đã qua sử dụng để làm vật liệu cho 1 km đường với hai làn xe, tương đương với việc giảm 93 tấn rác thải bị đẩy ra môi trường.
Ý tưởng độc đáo từ tái chế khẩu trang thành đồ nội thất
Băn khoăn trước thực trạng một lượng lớn khẩu trang dùng một lần bị vứt bỏ, nhất là khi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 hoành hành, nam sinh Kim Ha-neul, 23 tuổi, đang theo học chuyên ngành thiết kế nội thất tại Hàn Quốc, đã nảy ra ý tưởng độc đáo thân thiện với môi trường, đó là tái chế những chiếc khẩu trang này thành ghế đẩu.
Kim Ha-neul cho biết đã nảy ra ý tưởng trên khi thấy nhựa đều có thể tái chế, trong khi hầu hết các loại khẩu trang đều được làm từ sợi tổng hợp.
Để biến ý tưởng thành hiện thực, Kim Ha-neul đã đặt một thùng thu gom khẩu trang tại Đại học Thiết kế và Nghệ thuật Kaywon - nơi anh đang theo học, ở thành phố Uiwang, phía Nam thủ đô Seoul.
Kim Ha-neul đã thu được 10.000 chiếc khẩu trang đã qua sử dụng, cũng như được 1 nhà máy cho hơn 1 tấn khẩu trang bị lỗi.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, Kim Ha-neul đã lưu lại số khẩu trang này trong kho trong ít nhất 4 ngày, sau đó, tháo bỏ dây chun và kim loại trên khẩu trang.
Sau đó, anh bỏ khẩu trang vào khuôn, sử dụng súng phun nhiệt, với mức nhiệt trên 300 độ C, để khẩu trang chảy ra.
Thành quả thu được là một chiếc ghế đẩu 3 chân, cao 45 cm, tái chế từ các loại khẩu trang đủ màu: trắng, hồng, xanh và đen. Chiếc ghế này đã được Kim Ha-neul trưng bày tại triển lãm tốt nghiệp của mình. Anh cho biết để làm ra một chiếc ghế như vậy, cần khoảng 1.500 chiếc khẩu trang.
Sau thành công trên, Kim Ha-neul đang ấp ủ hy vọng có thể tạo ra được nhiều đồ nội thất khác từ khẩu trang tái chế, như ghế, bàn và một số loại đèn. Anh cũng đang kêu gọi chính phủ và các công ty tư nhân Hàn Quốc thu gom khẩu trang cũ và tiến hành tái chế.
Mặc dù những chiếc ghế tái chế từ khẩu trang của Kim Ha-neul vẫn chưa được bày bán trên thị trường Hàn Quốc, song các bạn đồng trang lứa rất ấn tượng với ý tưởng và thiết kế của anh.
Như chia sẻ của một sinh viên mỹ thuật Hàn Quốc, ý tưởng của Kim Ha-neul rất thân thiện với môi trường và mang "thông điệp mạnh mẽ" gợi nhắc về một năm 2020 đầy khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.