Thời gian qua, tiếp tục xuất hiện phương thức lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh nhân viên của các nhà mạng, gọi điện thoại tới khách hàng thông báo khóa sim rồi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Bị mất 400 triệu đồng
Mới đây, Công an TP Hà Nội thông tin, Công an quận Long Biên đang xác minh, điều tra vụ giả danh nhân viên Viettel, lừa đảo chiếm đoạt 400 triệu đồng của người dân.
Theo đó, vào sáng ngày 26/7, anh Đ. (SN 1980, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) có nhận được cuộc gọi của một đối tượng giới thiệu là nhân viên Viettel thông báo khóa sim điện thoại do số điện thoại liên quan đến vi phạm pháp luật.
Tiếp đến, đối tượng kết nối anh Đ. nói chuyện với một đối tượng khác tự xưng là cán bộ Công an TP Hà Nội. Các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và mã OTP để kiểm tra. Sau đó, anh Đ phát hiện tài khoản bị mất 400 triệu đồng nên đã đến Công an phường Thượng Thanh trình báo.
Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Với các vấn đề liên quan đến sim điện thoại hoặc nếu có vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ của nhà mạng, người dân cần liên hệ đường dây nóng của nhà mạng hoặc tới các phòng giao dịch để được tư vấn giải quyết kịp thời.
Tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu của các số lạ gọi đến. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
Nâng cao cảnh giác
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam (NCSC) cho biết, chiêu lừa đảo dưới hình thức giả mạo nhà mạng thông báo khoá sim đã xuất hiện suốt thời gian dài. Tuy nhiên nhiều đối tượng lừa đảo vẫn tiếp tục tái diễn chiêu thức này, nếu không cảnh giác, nhiều người có thể sập bẫy lừa đảo bất cứ lúc nào.
Chuyên gia phân tích, khi thực hiện các cuộc gọi hoặc tin nhắn mạo danh, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin về danh tính, tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản hoặc gửi các đường link giả mạo để đánh cắp thông tin cá nhân người dùng.
Để ngăn chặn tình trạng này, chuyên gia cho biết, việc nhận định các cuộc gọi lừa đảo này khá đơn giản bởi không có nhà mạng nào phải gọi điện trực tiếp đến khách hàng và yêu cầu cung cấp thông tin danh tính qua điện thoại. Thay vào đó, nhà mạng có nhiều cách chính thống để kiểm tra các thông tin này như yêu cầu khách hàng đăng kí bằng ứng dụng của chính nhà mạng đó.
Do vậy, người dân trước hết cần thực sự nâng cao cảnh giác và nhận thức về tình trạng diễn biến phức tạp của lừa đảo qua điện thoại. Cách thức an toàn nhất là gọi điện lên tổng đài của nhà mạng hoặc đến tận nơi cơ sở chăm sóc khách hàng của nhà mạng đó để được hướng dẫn.