Thời gian gần đây, chiêu trò giả danh cơ quan công an gọi điện thoại cho người dân hướng dẫn cài đặt ứng dụng (app) VNeID giả mạo, kích hoạt tài khoản định danh điện tử lại tiếp tục tái diễn.
Theo đó, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân liên quan đến việc cài đặt app VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, nhiều đối tượng đã tiến hành các cuộc gọi giả mạo cơ quan công an. Sau đó gửi đường link qua tin nhắn, Zalo, Facebook... yêu cầu người dân truy cập và cài đặt phần mềm "VNeID" giả mạo với giao diện giống với ứng dụng VNeID thật.
Sau khi người dân cài đặt VNeID giả mạo được cấp quyền truy cập mức cao, bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa OTP, kẻ xấu kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng, sau đó thực hiện lệnh chuyển tiền trên điện thoại nạn nhân, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Tình trạng này diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Cơ quan chức năng khuyến cáo, lực lượng Công an chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân; không hướng dẫn kích hoạt qua gọi điện thoại.
Người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành IOS cho điện thoại Iphone) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn ngoài, từ các đường link lạ; không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại, nguy cơ mất an toàn cho thiết bị; không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân qua điện thoại.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Bùi Xuân Lai (Công ty Luật TNHH Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật Sư X) khẳng định, đây là một hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Cụ thể, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tuỳ tính chất, mức độ, các đối tượng này còn có thể bị phạt tù lên đến chung thân.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài ra, pháp luật cũng quy định về mức phạt hành chính đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Ngoài ra, người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải chịu hình phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Luật sư Bùi Xuân Lai nhận định, tình trạng này đã diễn ra thời gian dài, tuy nhiên đến nay vẫn liên tục tái diễn mà chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả bởi các đối tượng sử dụng nhiều cách thức khác nhau, trong đó có sử dụng công nghệ cao để tiến hành lừa đảo. Bên cạnh đó, nhiều người dân với kiến thức pháp luật còn hạn chế nên dễ dàng sập bẫy.
Do đó, luật sư Lai khuyến cáo người dân, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại và địa chỉ của mình trên các trang mạng và cho những người không quen.
Đối với các giao dịch trao đổi không được cung cấp mã OTP cho bất cứ ai. Luôn kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền vào tài khoản của bất kỳ ai.
Trước khi truy cập các đường link được gửi đến, phải luôn phải kiểm tra địa chỉ website trước khi truy cập. Tuyệt đối không mở các tin nhắn, email từ nguồn không rõ ràng.
Phải luôn đề cao cảnh giác khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video qua các ứng dụng mạng xã hội. Trong trường hợp thấy có dấu hiệu của việc lừa đảo đề nghị người dân không thực hiện theo yêu cầu của đối tượng, mà cần ra ngay cơ quan công an nơi gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ.