Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều fanpage mạo danh thương hiệu các đơn vị ngành dầu khí đăng thông tin tuyển dụng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người ứng tuyển.
Theo đó, hàng loạt fanpage đang giả mạo thương hiệu các đơn vị dầu khí như: Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL), Tổng Công ty Phân bón Hóa chất Dầu khí (PV FCCo),… để đăng thông tin tuyển dụng không có thật, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Những trang giả mạo này được các đối tượng lập ra nhắm đến những người đang tìm kiếm việc làm và thu thập thông tin cá nhân. Sau đó kết nối đến các trang/nhóm để yêu cầu làm các nhiệm vụ như yêu cầu của "vòng sơ khảo". Sau khi hoàn thành đúng yêu cầu mới được nhận việc chính thức tại các đơn vị.
Tiếp theo, người ứng tuyển được hướng dẫn vào đường link để đăng ký tài khoản, nộp tiền thực hiện nhiệm vụ với hứa hẹn sẽ nhận lại được tiền gốc và có lãi suất khi tham gia nhiều lần. Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là các hoạt động lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trước tình trạng này, PV GAS đã phát đi cảnh báo về việc các trang mạng xã hội lấy hình ảnh, thương hiệu, logo các đơn vị liên quan để tuyển dụng lao động. Đại diện PV GAS khẳng định các trang fanpage này đều là giả mạo; đơn vị không liên quan và không chịu trách nhiệm cho hoạt động của các fanpage này.
Khi có kế hoạch tuyển dụng, PV GAS sẽ đăng tin chính thức qua kênh tuyển dụng của các đơn vị cung ứng dịch vụ hoặc website chính thức, không đăng tuyển qua các trang mạng xã hội.
Chủ động cảnh giác
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Bùi Xuân Lai (Công ty Luật TNHH Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật Sư X) cho biết, không chỉ các đơn vị dầu khí, hiện nay trên mạng xã hội cũng tồn tại nhiều hội nhóm, fanpage mạo danh các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để thực hiện hành vi lừa đảo tuyển dụng tương tự. Nếu người dân không chủ động cảnh giác và tỉnh táo sẽ rất dễ rơi vào bẫy lừa đảo của các đối tượng này.
Tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Ngoài ra, pháp luật cũng quy định về mức phạt hành chính đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản này.
Tuy nhiên, quá trình điều tra, xử lý loại tội phạm này hiện nay vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn. Do đó tình trạng này vẫn đang tiếp diễn trên không gian mạng.
Luật sư Bùi Xuân Lai khuyến cáo người dân, trước khi truy cập luôn phải kiểm tra kỹ địa chỉ website, fanpage có đáng tin cậy hay không. Hiện nay tình trạng mạo danh diễn ra phổ biến, do đó người dân cần hết sức thận trọng.
Đối với các giao dịch trao đổi không được cung cấp mã OTP cho bất cứ ai. Luôn kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền vào tài khoản của bất kỳ ai.
Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại và địa chỉ của mình trên các trang mạng và cho những người không quen biết.
Trong trường hợp thấy có dấu hiệu của việc lừa đảo đề nghị người dân không thực hiện theo yêu cầu của đối tượng, mà cần ra ngay cơ quan Công an nơi gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ.