Tài hoa Thanh Tịnh

PHÙNG VĂN KHAI 24/07/2023 09:18

Trong số các nhà văn tiền chiến trước Cách mạng Tháng Tám, nhà thơ Thanh Tịnh là một trường hợp đặc biệt. Những câu thơ về Huế của ông luôn thuộc nằm lòng trong những người xa Huế: “Có bao người Huế không về nữa/ Gửi đá ven rừng chép chiến công/ Có mồ liệt sĩ nâng lòng đất/ Buồm phá Tam Giang gió thổi lòng” (Nhớ Huế quê tôi). Chất thơ Thanh Tịnh đã sớm lọt vào con mắt xanh của Hoài Thanh - Hoài Chân trong “Thi nhân Việt Nam”, đã cho Thanh Tịnh cùng với bạn văn chương ở Huế có chỗ đứng trong văn học.

Nhà thơ Thanh Tịnh.

Thanh Tịnh sinh ngày 12 tháng 12 năm 1911 tại Dương Nỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tên thật là Trần Văn Ninh. Năm lên sáu tuổi đổi là Trần Thanh Tịnh.

Ông học trung học rồi đi dạy tư, viết văn, viết báo, cộng tác với các tờ Thần Kinh tạp chí (Huế), Hà Nội báo, Tiểu thuyết Thứ Năm, Phong Hóa, Ngày Nay, Thanh Nghị, Tinh Hoa, Phụ Nữ Thời Đàm (Hà Nội) với những bút danh khác nhau: Thinh Không, Pát-tê (Pathé) Thanh Thanh, Trịnh Thuần...

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông làm Tổng Thư ký Hội Văn hóa Trung bộ; gia nhập bộ đội năm 1948, phụ trách đoàn kịch Chiến Thắng.

Với các nhà văn quân đội, khoảng thời gian nhà thơ Thanh Tịnh làm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội chính là khoảng thời gian xôm tụ với các tên tuổi từ Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Nguyễn Trọng Oánh, Hồ Phương, Nguyễn Thi, Xuân Sách, Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu… mà nhà thơ Thanh Tịnh làm thư ký tòa soạn (1957). Tiếp đó, năm 1963 ông làm Tổng Biên tập đến năm 1970. Làm thủ trưởng của các tài năng văn học mà “sếp” Thanh Tịnh vẫn ung dung tự tại, dung hòa được tất thảy các cá tính chính bởi khí chất của ông. Khí chất: “Đã dậy sóng, sông Hương đang dậy sóng/ Xua, xua tan rác rưởi úa dòng xanh/ Cờ lại sáng lên sáng rực cả kinh thành/ Quàng khăn đỏ cố đô xưa trẻ lại… Tôi cầm bút chữ chăng đèn trên giấy/ Mà nghe tim đập nhịp Tiến quân ca/ Thấy quân đi sưởi ấm đất quê nhà/ Nghe tiếng sấm phía Thu Bồn giội sét” (Sông Hương dậy sóng) đã trở thành một sức hút để quy tụ các văn nhân hàng đầu trong quân đội.

Với tư cách là nhà văn quân đội, ông đi khắp các chiến trường trong chống Pháp, chống Mỹ để sáng tác. Các tác phẩm được xuất bản: “Sức mồ hôi” (tập ca dao, 1995); “Những giọt nước biển” (tập truyện ngắn, 1957); “Độc tấu sáng tác và biểu diễn” (1969); “Đi từ giữa một mùa sen” (trường ca, 1973); “Thi ca” (tuyển thơ, ca dao, trường ca, 1980). Là những sáng tác chủ chốt của Thanh Tịnh.

Một điều đáng quý ở Thanh Tịnh là sự đóng góp vào kho tàng dân gian một sáng tạo mới: Độc tấu. Ông đã sáng tác và trình diễn loại tấu này ngay trên bước đường hành quân và được phổ biến trong quần chúng nhân dân. Thanh Tịnh là người hiểu biết sâu sắc về truyền thống văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa Huế.

Hơn 50 năm cầm bút, Thanh Tịnh không chỉ là nhà văn, nhà thơ, nhà báo mà còn là nhà văn hóa. Ông đã đi nhiều nơi, viết nhiều thể loại. Ngoài những tác phẩm đã in thành sách còn một khối lượng lớn các bài báo; đó là những tư liệu đáng quý giúp chúng ta khi tìm hiểu, nghiên cứu về ông.

Nhà văn Nguyễn Khải, một trong những cây đa cây đề của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã viết về ông: “Tháng 8 năm 1955, tôi và một số anh làm báo của nhiều quân khu và sư đoàn được Tổng cục Chính trị triệu tập về trại viết truyện anh hùng quân đội. Họp xong, cả bọn đang đứng ở ngoài hành lang nhìn ngó, bàn tán, lính quân khu mới lên Tổng cục thấy cái gì cũng hay, cũng lạ, cũng muốn hỏi. Những người tôi muốn hỏi, muốn xem mặt nhiều lắm. Họ là những tác giả được bạn đọc trong quân đội ngưỡng mộ từ lâu: Vũ Tú Nam, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm... Nhưng tôi chưa từng nghe tên Thanh Tịnh.

Trong kháng chiến, anh thường tới các đơn vị thuộc các đại đoàn chủ lực biểu diễn độc tấu, vừa là đọc thơ vừa là kịch độc diễn, một thể loại nghệ thuật rất độc đáo, đứng đâu, ngồi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể biểu diễn được, nghe nói được bộ đội rất hoan nghênh. Được giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam (1951-1952). Thơ văn của anh đến với quần chúng không qua chữ in, báo chí mà bằng con người thật, với tài kể chuyện, tài ứng khẩu nhưng những người ở xa như chúng tôi thì không được biết.

Cho nên, tôi mới thắc mắc khi thấy một ông bộ đội cao to ngoài bốn chục tuổi, có một chiếc răng vàng ở khóe miệng, lại đi đôi giày săng đá cỡ đại, đang kể một chuyện gì đó chắc là buồn cười lắm vì thấy mấy anh làm báo của sư đoàn 308 và 304 đứng vây quanh cười ầm ầm. Tôi bèn hỏi Phùng Quán, cũng là một nhân vật nổi danh của ngày ấy tôi mới được làm quen mấy bữa trước: “Ông ấy là ai thế? Cũng là dân văn nghệ à?” Phùng Quán nhìn tôi như cậu phán tòa sứ nhìn anh dân quê: “Cậu thật không biết ông ấy là ai à? Cậu đã đọc truyện ngắn của Thanh Tịnh chưa?” À, Thanh Tịnh thì biết, hồi nhỏ có đọc mấy cái truyện ngắn “Quê mẹ”, “Ngậm ngải tìm trầm”... và có thuộc mấy đoạn trong bài thơ “Trường học làng tôi”. Khi đó tôi mới ồ lên thích thú”.

Đó là những trang văn trung thực và sinh động mà Nguyễn Khải mô tả vị thủ trưởng của mình, là phong vị chung của các nhà văn trong ngôi nhà số 4.

Nhà thơ Thanh Tịnh (thứ hai, từ trái sang) tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội những năm chống Mỹ. Ảnh tư liệu.

Thanh Tịnh là người viết truyện ngắn có tên tuổi trên các báo Phong Hóa, Ngày Nay, Thanh Nghị trước cách mạng cùng thời với Thạch Lam, Hồ Dzếnh. Văn chương đối với ông là niềm say mê, hết lòng phục vụ.

Theo nhà văn Nguyễn Khải, Thanh Tịnh có quá nhiều sự đam mê. Nghề dạy học cũng là một cái mê, nghề hướng dẫn du lịch cũng rất mê, làm báo cũng mê, biểu diễn độc tấu và đóng kịch hình như ông mê hơn cả.

Ông không thể sống một mình mà phải luôn luôn có bè bạn, không thể làm việc trong lặng lẽ mà phải luôn luôn đứng trước đám đông, sống trong đám đông hò hát, nói chuyện vui và biểu diễn độc tấu. Suốt những năm đánh Pháp, ông sáng tạo ra nghệ thuật độc tấu vừa đi vừa viết vừa diễn. Bài độc tấu đầu tiên của Thanh Tịnh là bài “Bắn cả hai”, làm ở gần chùa Trầm vào mùa xuân năm 1947.

Chiến thắng sông Lô thì ông có bài: “Ai biết không sông Lô/ Nơi nước sông xây mồ/ Quân hung tàn tham ô/ Sông Lô! Hoan hô!/ Ai biết không sông Lô/ Nơi lũ quân hung đồ/ Trời bập bềnh nhấp nhô/ Sông Lô! Hoan hô!” - Những bài thơ để đọc trước đám đông, hiểu được ngay và được hưởng ứng tức thì.

Tác giả hô hoan hô thì bộ đội đứng nghe có thể hô liền theo: Hoan hô! Người diễn và người nghe lập tức hòa làm một. Rồi anh diễn kịch, đóng vai đao phủ trong vở “Đề Thám xuất quân” của Thế Lữ, đóng vai mật thám trong vở “Cụ Đạo và sư ông” do ông gợi ý và Thế Lữ dàn dựng. Thật lạ lùng, Thanh Tịnh người hiền lành vui vẻ mà toàn nhận các vai sát thủ! Ông nói vui: “Chả là người mình cao lớn, giọng nói lại vang to, dễ gây được ấn tượng”.

Với anh em Tạp chí Văn nghệ Quân đội thế hệ 6x, 7x, 8x… dường như Thanh Tịnh không hề xa xôi mà rất gần gũi. Hôm chúng tôi làm cuộc đối thoại với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - một người bạn đồng hương xứ Huế thiết thân của nhà thơ Thanh Tịnh, tướng Vịnh bảo ngày nhỏ rất hay đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội vào phòng bác Thanh Tịnh nghịch đồ đạc. Phòng Thanh Tịnh luôn rất nhiều đồ. Ngày đó, những lúc rỗi rãi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường trò chuyện với Thanh Tịnh.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chính là người quyết định cho các nhà văn quân đội sử dụng ngôi nhà số 4 - một trong những biệt thự cổ đẹp nhất thành phố Hà Nội, cũng là một dấu mốc lịch sử. Trong ngôi nhà lịch sử, đã có nhiều nhà văn, nhà thơ được đặt tên phố, tên đường, tên trường học. Đó là: Nguyễn Thi, Thanh Tịnh, Phùng Quán, Vũ Cao, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều. Đó cũng chính là niềm tự hào lớn của chúng tôi.

Nhà thơ Thanh Tịnh chính là người viết câu thơ mà nhiều người lầm tưởng là ca dao: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Ông từ lâu đã về với thế giới của người hiền, song thơ Thanh Tịnh, văn chương của ông, các giai thoại về ông vẫn luôn được nhắc nhớ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tài hoa Thanh Tịnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO