Bức thư ngỏ xin “đổi hoa lấy quà” của thầy hiệu trường một trường tiểu học tại TPHCM đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Trong thư ngỏ, ông Lê Hồng Thái - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Văn Trị (quận 1, TPHCM) từ chối nhận hoa ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, mong muốn phụ huynh gửi tới món quà khác: “Hàng năm, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhà trường nhận được rất nhiều lẵng hoa chúc mừng. Tuy nhiên, số hoa này chỉ dùng trong vài ngày thì vứt bỏ, rất phí phạm. Năm nay tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, nhà trường kính mong quý mạnh thường quân, quý doanh nghiệp, tổ chức thay vì tặng hoa thì xin đổi hình thức bằng cách tặng tập vở, sữa và trang thiết bị thể dục thể thao để nhà trường khen thưởng cho các em học sinh”.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên xuất hiện đề xuất không nhận hoa từ các nhà trường, đơn vị giáo dục. Năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cũng đã có thông điệp gửi các đối tác, phụ huynh và các cơ quan, đơn vị sẽ không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa, quà chúc mừng ngày 20/11.
Cũng trong năm 2023, Trường Tiểu học Tô Hiệu (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cũng đã có thư ngỏ gửi tới cha mẹ học sinh, doanh nghiệp, mạnh thường quân thay vì tặng hoa, thì nhà trường xin đổi bằng hình thức tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho 55 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mong muốn của nhà trường là được nhận những món quà thiết thực giúp học sinh vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập.
Tôi nhớ mãi cuộc trò chuyện với thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Trà Mai, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam), người thường được nhiều người biết đến với cái tên “Vỹ khùng” khi đã rong ruổi khắp các ngọn núi để cùng xây trường, dựng lớp, kết nối yêu thương, sẻ chia khó khăn với bà con vùng cao. Thầy đã kết nối để vận động xây dựng được hơn 60 điểm trường, nhà ở cho học sinh và giáo viên, kêu gọi 18.000 phần quà cho người dân vùng cao. Tổng số tiền thầy kêu gọi giúp người dân là hơn 100 tỷ đồng.
Gắn bó với học sinh vùng cao, vùng khó khăn, không chỉ thầy Vỹ mà biết bao thầy cô giáo cũng đang ngày ngày phải vừa dạy chữ, vừa chăm lo, quan tâm từ cuốn sách, quyển vở, cái bút đến bữa cơm bán trú cho học trò nghèo với tất cả tấm lòng. Ở nơi ấy, món quà ngày 20/11 của các thầy cô có khi là bó hoa rừng, cân quả trong vườn nhà mà phụ huynh yêu quý trao tặng với tất cả tấm lòng biết ơn, gửi gắm con em mình tới trường.
Đồng hành cùng với nhà trường chăm lo cho các hoạt động của học sinh, giáo viên, trong đó quan tâm đến những hoàn cảnh học sinh khó khăn là việc làm cần thiết của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh có hạn nên việc huy động các nguồn lực xã hội hóa là cần thiết. Ngày 20/11 là dịp để học sinh, phụ huynh học sinh dành sự tri ân đặc biệt tới các thầy, cô giáo những người công tác trong ngành giáo dục có thể được thể hiện bởi rất nhiều cách khác nhau. Trong đó, có niềm vui từ những cánh thiệp mừng, những bông hoa, món quà dành cho thầy cô, nhà trường. Cũng có niềm vui đến từ sự “từ chối” nhận quà, hoa để nhận về cho học sinh của mình những món quà thiết thực, có ý nghĩa dài lâu hơn. Sự sẻ chia của các thầy cô giáo với học sinh, phụ huynh một cách tự nguyện chính là tấm lòng người thầy đầy trân quý, cũng là một cách bảo vệ hình ảnh người thầy trong đời sống xã hội nhiều biến động hôm nay.