Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài. Trong các chuyến công tác nước ngoài, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành thời gian gặp cộng đồng người Việt ở xa Tổ quốc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, đề nghị lãnh đạo sở tại quan tâm tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của bà con.
“Giải quyết công việc cho bà con như công việc của nhà mình”
Những kết quả và thành tựu trong phát triển đất nước có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài có 5,3 triệu người ở hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 500.000 - 600.000 chuyên gia, trí thức.
Ngày 14/12, tại Brussels, trong cuộc gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và một số nước châu Âu, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định: Đảng ta đã khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận máu thịt, không thể tách rời của dân tộc. Đảng, Nhà nước ta không có mục tiêu nào khác là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; lo cho nhân dân sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc. Ở trong nước thế nào thì ở ngoài nước cũng vậy.
“Tôi mong sứ quán phải coi bà con như người nhà mình, giải quyết công việc cho bà con như công việc của nhà mình, đừng câu nệ gì cả” - Thủ tướng nói đồng thời mong muốn bà con kiều bào nêu cao lòng tự hào dân tộc, nỗ lực phấn đấu vươn lên, tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng chung tay xây dựng một cộng đồng phát triển, vững mạnh, ngày càng có vai trò, vị trí cao trong xã hội sở tại; tiếp tục làm cầu nối vững chắc trong quan hệ hữu nghị Việt Nam với các quốc gia trên thế giới; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngôn ngữ tiếng Việt, luôn hướng về quê hương, đất nước, đóng góp thiết thực đối với việc triển khai chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Tăng cường mối liên kết, gắn bó ruột thịt của kiều bào với đất nước
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) cho biết thời gian qua, các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài được thể chế hóa thành các quy định pháp luật theo hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kiều bào, cơ bản xóa bỏ các rào cản phân biệt giữa đồng bào trong nước và ngoài nước, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích thiết thân của kiều bào, nhất là các vấn đề như: quốc tịch, xuất nhập cảnh, đất đai, nhà ở, miễn thị thực, kinh doanh đầu tư, giáo dục, thu hút chuyên gia, trí thức, chế độ đãi ngộ với người có công… Qua đó, tạo sự phấn khởi, tin tưởng, tăng thêm mối liên kết, gắn bó ruột thịt của kiều bào với đất nước.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn. Chẳng hạn, trong lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, vấn đề nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài gặp nhiều vướng mắc, bởi quy định về nhập quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài còn chung chung, khó áp dụng trên thực tế và phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan/cá nhân có thẩm quyền áp dụng luật.
Về lĩnh vực đất đai, nhà ở, hiện người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang bị hạn chế quyền sử dụng đất ở ngoài các dự án phát triển nhà, dẫn đến hạn chế quyền thừa kế đất ở ngoài các dự án phát triển nhà ở, quyền xây dựng và sở hữu nhà ở trên đất ở ngoài các dự án phát triển nhà ở.
Về thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào, chế độ đãi ngộ chủ yếu dành cho các chuyên gia “tên tuổi”, chưa quan tâm nhiều đến những chuyên gia trẻ...
Nhận rõ những hạn chế, gỡ rào cản, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Ngô Trịnh Hà khẳng định, chưa bao giờ công tác người Việt Nam ở nước ngoài lại nhận được nhiều sự quan tâm và phối hợp triển khai tích cực như hiện nay. Tuy nhiên, thời gian tới không chỉ tập trung vào công tác vận động mà còn hỗ trợ, phải thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Tạo cầu nối để người Việt trẻ về nước làm việc
Trong thời gian từ ngày 9 đến 16/10/2022, đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tới New York và San Francisco, hai khu vực của Mỹ có cộng đồng người Việt và học sinh làm ăn, sinh sống.
Tại đây, đoàn công tác cũng đã gặp gỡ nhiều chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào sinh sống ở đây và một số thành phố lân cận. Qua các cuộc trao đổi, kiều bào bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của đất nước cũng như quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam - Mỹ. Đặc biệt, nhờ Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài mà cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và kiều bào tại Mỹ nói riêng có nhiều thuận lợi trong việc ổn định vị trí pháp lý, hội nhập vào xã hội sở tại và từ đó đóng góp cho quê hương.
Một số ý kiến của kiều bào cho rằng cần khuyến khích, kết nối kiều bào trẻ, gồm cả cộng đồng du học sinh, cựu du học sinh Việt Nam và kiều bào thế hệ thứ 2, thứ 3 về nước, trực tiếp đóng góp nguồn lực vật chất và tri thức hỗ trợ quê nhà.
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang là một thị trường việc làm hấp dẫn với đội ngũ nhân sự trẻ nên ngày càng nhiều du học sinh mong muốn trở về quê nhà. Tuy nhiên, du học sinh Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội thực tập, làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp trong nước cũng như không có phương thức kết nối, liên lạc hiệu quả với nhà tuyển dụng.
Từ đó, kiến nghị thành lập Hội Du học sinh Việt Nam tại 3 nước Mỹ, Anh, Úc; đồng thời kiến nghị Bộ Ngoại giao nói riêng và các cơ quan trong nước nói chung hỗ trợ tổ chức các diễn đàn, hội chợ việc làm nhằm kết nối nhà tuyển dụng trong nước với cộng đồng du học sinh Việt Nam ở các nước cũng như đội ngũ chuyên gia, trí thức người Việt Nam thế hệ F2, F3 ở nước ngoài.
Đó đều là những ý kiến chân thành, nói lên khao khát mong muốn được cống hiến cho quê hương Đất Mẹ ngày một nhiều hơn của các thế hệ người Việt Nam ở xa Tổ quốc.
Năm 2022, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các chuyến công tác tại các địa bàn có đông người Việt như Campuchia, Thái Lan, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Australia… để thăm hỏi tình hình bà con sau đại dịch Covid-19; cảm ơn và trân trọng tình cảm, những đóng góp quý báu của bà con dành cho quê hương, đất nước trong thời gian qua; đồng thời lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của bà con để kịp thời có biện pháp xử lý.