Qua 10 ngày áp dụng chính sách lương mới (bao gồm cả lương hưu trí, trợ cấp xã hội...), tuy chưa nhiều nhưng giá một số loại hàng hóa tiêu dùng đã nhúc nhích đi lên. Từ đó xuất hiện hiện tượng “té nước theo mưa” khi lương tăng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế thì cần nhìn nhận vấn đề một cách thực tế, không nên cảm tính để tránh tạo ra sự rung lắc của thị trường.
Để ổn định thị trường, ngày 22/6, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 61 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá; yêu cầu cơ quan chức năng có giải pháp để ngăn chặn việc tăng giá bất thường. Kể từ khi áp dụng chính sách lương mới, tới ngày 11/7, trong nhóm các mặt hàng thiết yếu tiêu dùng chính thì chỉ có giá xăng dầu tăng.
Tuy nhiên, giá lương thực thực phẩm, dịch vụ ăn uống tại một số thành phố đang có dấu hiệu tăng. Được biết số người được tăng lương chỉ chiếm khoảng 8% trong tổng số 50 triệu lao động trong cả nước nên số tiền thực tế đưa vào lưu thông cũng không nhiều. Bên cạnh đó, hầu hết các chuyên gia tài chính cho rằng lạm phát cả năm 2024 không cao, có thể ở mức 3,2 - 3,6%. Điều đó cho thấy khi lạm phát ở mức thấp thì giá cả thị trường cũng sẽ không tăng sốc. Nhưng, đáng lo ngại là thói quen tâm lý thị trường cho rằng khi lương tăng sẽ nhất định lên giá.
Với cái nhìn thực tế, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), thì dù cho việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, nhưng cũng có tác động đến tăng giá. Cũng không thể cấm tăng giá khi tăng lương, chỉ có điều mức tăng cao hay thấp. Mà điều đó phụ thuộc khá lớn vào điều tiết vĩ mô và cơ quan quản lý thị trường. Theo ông Độ, trên thị trường có hàng chục nghìn mặt hàng, Nhà nước không thể kiểm soát mức tăng giá từng mặt hàng tại từng nơi và cũng không nên làm điều này. Nhà nước chỉ quan tâm danh mục chỉ số giá tiêu dùng (CPI) gồm 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu với 752 mặt hàng; hay kiểm soát những biến số tác động đến giá cả, lạm phát như không để cung tiền tăng quá nhanh, lãi suất không nên quá thấp, kiểm soát tỷ giá làm sao ổn định...
"Chúng ta cần đánh giá dựa vào số liệu thống kê, chứ không phải dựa vào cảm tính" - ông Độ nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc tăng lương sẽ tác động tới tâm lý người dân, tâm lý thị trường khiến giá cả hàng hóa tăng, đặc biệt là do các tiểu thương và việc mua bán tại các chợ dân sinh. Còn với giá cả hàng hóa trong siêu thị sẽ ổn định. Quan trọng nhất là việc theo sát diễn biến thị trường, giúp ổn định tâm lý, tránh tình trạng “lạm phát tâm lý”; đồng thời phải có giải pháp ổn định giá, không để nền kinh tế thiết lập mặt bằng giá mới.
Mới đây, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã nêu giải pháp điều hành giá từ nay tới cuối năm để người được tăng lương thụ hưởng thực chất. Trong đó, nhấn mạnh tới việc giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá; Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương để điều hành giá xăng dầu theo quy định; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...
Động thái từ cơ quan quản lý nhà nước là rõ ràng không để “giá tăng theo lương”. Tuy nhiên, đây là công việc rất khó khăn khi đối mặt với tâm lý thị trường. Hiện trên thị trường nhiều loại hàng hóa, dịch vụ cần thiết hàng ngày đã tăng. Từ đó cho thấy việc giải thích, tuyên truyền cần phải được đẩy nhanh, đẩy mạnh. Không thể để tâm lý thị trường tạo áp lực lên giá. Tâm lý đó trước hết đến từ sự cảm tính không chỉ với người bán hàng mà người mua hàng cũng mơ hồ khi luôn nghĩ rằng giá hàng hóa nhất định sẽ tăng như một lẽ tất nhiên khi lương tăng.
Tuy nhiên, với nguồn cung hàng hóa dồi dào, những nhóm hàng hóa thiết yếu do nhà nước định giá ổn định, lạm phát được kiềm chế tốt... chính là cơ sở để hóa giải tâm lý thị trường trước những rập rình tăng giá.