Tại điểm khai thác đất của Công ty Anh Thư Phú Thọ, PV đã ghi nhận hàng loạt các vấn đề bất cập từ việc cải tạo, hạ cốt nền, san gạt mặt bằng đất... tại khu 11, xã Dân Quyền.
Theo phản ánh, Công ty TNHH Anh Thư Phú Thọ (Công ty Anh Thư Phú Thọ) đã lợi dụng văn bản của UBND huyện Tam Nông về việc “Chấp thuận cho 43 hộ gia đình, cá nhân tại khu 11 xã Dân Quyền (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) được cải tạo, hạ cốt nền, san gạt mặt bằng đất trồng cây hằng năm khác để phát triển kinh tế hộ gia đình” nhằm khai thác, vận chuyển, mua bán đất trái quy định.
Thỏa thuận “ngầm” giữa công ty và hộ dân
Theo văn bản số 219/UBND-TNMT ngày 2/2/2021 của UBND huyện Tam Nông về việc “Chấp thuận cho ông Trần Công Sự, đại diện 43 hộ gia đình, cá nhân tại khu 11 xã Dân Quyền, được cải tạo, hạ cốt nền, san gạt mặt bằng đất trồng cây hàng năm khác để phát triển kinh tế hộ gia đình, tại khu 11, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông”: Khối lượng đất thừa sau cải tạo, ông Trần Công Sự, đại diện chủ dự án sẽ hợp đồng với công ty có đủ điều kiện thi công để vận chuyển san lấp mặt bằng công trình đường giao thông nội đồng xã Dân Quyền, huyện Tam Nông và san lấp khu vực đấu giá QSDĐ tại khu 7, thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông.
Tuy nhiên, trên thực tế Công ty Anh Thư Phú Thọ đã khai thác đất tại địa điểm được UBND huyện Tam Nông chấp thuận cho cải tạo, hạ cốt nền, san gạt mặt bằng tại khu 11 xã Dân Quyền để vận chuyển đi bán cho một số nhà máy gạch, điểm san lấp mặt bằng, đối tác tại các địa bàn lân cận huyện Tam Nông… thậm chí là vận chuyển đất theo đường thủy đi Hải Phòng (?!).
Đáng nói, văn bản chấp thuận của UBND huyện Tam Nông không đề cập đến vấn đề mua bán đất thừa thu được sau khi hạ cốt nền hay việc mua bán quyền khai thác đất tại khu 11, xã Dân Quyền giữa Công ty và 43 hộ gia đình. Tuy nhiên, ông Trần Công Sự (đại diện 43 hộ gia đình, cá nhân tại khu 11 xã Dân Quyền) và một số hộ gia đình (có đất trong diện được chấp thuận cải tạo, hạ cốt nền – PV) cho biết: Giữa Công ty Anh Thư Phú Thọ và 43 hộ gia đình đã có thỏa thuận là các hộ gia đình sẽ bán quyền khai thác đất cho Công ty với giá 8 triệu đồng/sào (khoảng 360 m2 – PV) với chiều sâu khai thác là 1,5m, thời gian khai thác là 1 năm.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Anh Thư Phú Thọ xác nhận việc Công ty có vận chuyển đất sau khi khai thác tại khu 11, xã Dân Quyền đi bán cho các đối tác ở các địa phương khác và có thỏa thuận mua quyền khai thác đất của các hộ gia đình.
Được biết, toàn bộ diện tích đất của 43 hộ gia đình tại khu 11, xã Dân Quyền trong diện được UBND huyện Tam Nông chấp thuận cho cải tạo đất đều là đất canh tác nông nghiệp đã được cấp sổ đỏ. Ông Trần Công Sự (đại diện 43 hộ gia đình) không có đất trong diện được chấp thuận cho cải tạo đất (?!).
Xã không biết phương án cải tạo đất
Tại điểm khai thác đất của Công ty Anh Thư Phú Thọ, PV đã ghi nhận hàng loạt các vấn đề bất cập từ việc cải tạo, hạ cốt nền, san gạt mặt bằng đất... tại khu 11, xã Dân Quyền.
Cụ thể, việc khai thác đất của Công ty Anh Thư Phú Thọ đã không tuân thủ các quy định đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn giao thông theo đúng yêu cầu tại văn bản số 219/UBND-TNMT của UBND huyện Tam Nông. Không có biện pháp che chắn khu vực cải tạo đất, không làm sạch bánh xe khi tham gia giao thông, không bơm rửa mặt đường trên các tuyến đường xe đi qua, các đoàn xe có dấu hiệu quá tải trọng của Công ty Anh Thư Phú Thọ còn ngang nhiên chạy trên các tuyến đường đã có biển giới hạn trọng tải…
Về độ sâu khai thác đất trên thực địa, theo ghi nhận của PV tại khu 11, xã Dân Quyền thì, so với mặt nền đất trước khi “cải tạo đất” có độ sâu khoảng 5 m – 8 m.
Trao đổi về hàng loạt các vấn đề nêu trên, ông Đào Tiến Lực – Chủ tịch UBND xã Dân Quyền và ông Hùng – Cán bộ địa chính xã Dân Quyền cho rằng trách nhiệm giám sát việc “cải tạo đất” tại khu 11 xã Dân Quyền còn thuộc về các cơ quan chuyên môn cấp huyện, lực lượng công an huyện và công an xã.
Khi được hỏi về việc UBND xã Dân Quyền có nắm được phương án “cải tạo đất” để giám sát về mốc giới và độ sâu hạ cốt nền hay không thì cả ông Lực và ông Hùng đều “lắc đầu” và cho biết, phương án “cải tạo đất” do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện lưu giữ, cấp xã không nắm được phương án.
Theo tìm hiểu của PV, trước khi UBND huyện Tam Nông ra văn bản số 219/UBND-TNMT ngày 02/02/2021 thì ngày 17/6/2020, UBND huyện Tam Nông đã từng ra một văn bản số 212/UBND-TNMT. Hai văn bản này của UBND huyện Tam Nông với nội dung gần “y chang” nhau, chỉ khác nhau về mốc thời gian ra văn bản.
Về vấn đề nêu trên, PV báo Đại Đoàn Kết đã thông tin, tới ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông. Ông Hùng cho biết “sẽ cho kiểm tra lại”.