Trong cuộc chiến chống Covid-19, thông tin trên báo chí, truyền thông chính thống đã lấn át hoàn toàn, chiếm trọn niềm tin của toàn xã hội.
Ngày 5/6, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 77-KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. Đây chính là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước để đưa đất nước nhanh chóng vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, phục hồi và tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội.
Trong suốt gần nửa năm qua, cả nước thực sự “chống dịch như chống giặc”, thu được những kết quả tích cực. Thì nay, với tinh thần và quyết tâm rất cao, cả nước đồng lòng chiến thắng “virus trì trệ”, để vượt lên.
1. Trong cuộc chiến chống Covid-19 cũng như khi bước vào giai đoạn bình thường mới khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta tự hào nói rằng có sự đóng góp xứng đáng của hệ thống báo chí, với chức năng tuyên truyền, định hướng, cổ vũ động viên và đấu tranh với những biểu hiện, những luận điểm sai trái, xấu độc.
Những ngày cả nước dồn lực phòng, chống Covid-19, báo chí là lực lượng tiên phong. Nhiều nhà báo đã có mặt ở những nơi nhiều nguy cơ lây nhiễm. Nhiều cơ quan báo chí đã vạch ra chiến lược tuyên truyền, dồn nguồn lực cho dòng thông tin chủ lưu là phòng, chống Covid-19. Nhiều nhà báo lặn lội rừng sâu cùng những chiến sĩ biên phòng nơi biên giới. Nhiều nhà báo vào tận những khu vực cách ly phản ánh việc kiểm soát y tế cùng đời sống người dân. Không ít nhà báo vào cả bệnh viện khi được xác định là ổ dịch để ghi lại công việc hàng ngày của đội ngũ thầy thuốc. Cũng có nhiều nhà báo thức trắng đêm đợi những chuyến bay đưa đồng bào ta từ nước ngoài về tránh dịch…
Dù là một mẩu tin ngắn, một bức ảnh hay một bài viết thì cũng đều thể hiện tấm lòng và sự tận tụy của các nhà báo chân chính: Chia ngọt sẻ bùi, không ngại gian nan vất vả cốt là có được những thông tin trung thực nhất, nhanh nhất đến với xã hội. Để từ đó toàn dân tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến cam go; từ đó đồng lòng phòng, chống dịch.
Ở một thời điểm nào đó, ở một sự việc nào đó, thông tin xấu, độc hại phát tán trên mạng xã hội lấn át thông tin báo chí chính thống. Nhưng chúng ta tự hào khẳng định rằng, trong cuộc chiến chống Covid-19, thông tin trên báo chí, truyền thông chính thống đã lấn át hoàn toàn, chiếm trọn niềm tin của toàn xã hội.
2. Tới nay, về cơ bản Việt Nam đã khống chế, kiểm soát được đại dịch Covid-19, cả nước bước vào giai đoạn khôi phục và tăng tốc phát triển kinh tế, thì báo chí cũng góp phần tích cực.
Trước hết, đó là những bài báo chỉ ra và góp phần vào việc “tiêu diệt virus trì trệ”. Trì trệ ở đây chính là thái độ băn khoăn e dè, “nhìn trước ngó sau”, sợ sai, không dám nhận trách nhiệm. Phải “đả thông” được tư tưởng. Tư tưởng có thông thì việc nặng sẽ bớt nặng, mới mạnh dạn bung ra làm ăn để ích nước lợi nhà.
Việc Chính phủ đưa ra những gói hỗ trợ “chưa có tiền lệ” cũng như nhiều ngành tự nguyện giảm lợi nhuận, chia sẻ để cùng nhau vượt khó được hệ thống báo chí nhìn nhận, ghi nhận và phản ảnh kịp thời, liên tục.
Chính sách giãn, giảm thuế; hạ lãi suất vay, đơn giản thủ tục vay vốn ngân hàng được thông tin đầy đủ, chính xác. Những điểm nghẽn trong việc giải ngân gói hỗ trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp cũng được chỉ ra, phân tích một cách sắc sảo, đầy trách nhiệm để Chính phủ kịp thời tháo gỡ. Gói hỗ trợ hơn 250.000 tỉ đồng không chỉ đơn thuần là việc “bơm vốn” vào nền kinh tế mà rộng hơn, xa hơn còn là để tiếp lực truyền lửa tạo nên sức mạnh tinh thần mạnh mẽ để đất nước nhanh chóng phục hồi sản xuất. Khi lò xo bị nén càng lâu thì sức bật càng lớn. Báo chí đã góp phần tích cực thắp lên niềm tin trong công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội đầy khó khăn này.
Trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, thời gian gần đây một số ngành đã mạnh dạn “lĩnh ấn tiên phong”. Trong đó nổi bật là ngành du lịch và xuất khẩu. Với ngành du lịch, chủ trương hướng mạnh đến khai thác thị trường nội địa là rất đúng đắn, khi mà đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, du lịch nội địa bùng nổ chỉ trong vòng thời gian rất ngắn sau giãn cách xã hội. Việc giảm sâu giá tour, giá máy bay, giá phòng nghỉ… đã nhận được sự hưởng ứng của người dân.
Về xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản, cũng cho thấy sự hồi phục nhanh chóng. Bằng rất nhiều cách làm, rất nhiều quyết tâm, các bộ ngành, địa phương liên quan đã thuyết phục được các đối tác nhập khẩu, nên hàng hóa từ Việt Nam vẫn tiếp tục lưu thông ra ngoài biên giới.
Mới đây, ngày 6/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác Chính phủ đã thăm và làm việc tại Bắc Giang, dự và cắt băng tại lễ xuất hành đoàn xe vải thiều đi tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước. Đoàn xe container chở vải đi tiêu thụ tại các thị trường như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Trung Quốc… trước sự chứng kiến của Thủ tướng là một bằng chứng sinh động cho thấy nền kinh tế của chúng ta hoàn toàn có thể bật lên mạnh mẽ và nhanh chóng, thời gian “ngủ đông” đã qua.
Cũng cần nói thêm rằng, sau thời gian chuẩn bị, đến thời điểm này, quả vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương đã sẵn sàng cho việc lần đầu tiên “đặt chân” vào thị trường Nhật Bản, thị trường khó tính hàng đầu thế giới. Vào vụ vải 2020, việc xuất khẩu sang Nhật Bản bất ngờ bị dịch Covid-19 gây khó khăn, những tưởng sẽ khiến vải thiều của ta phải chờ đến khi hết dịch mới xuất khẩu được sang Nhật Bản.
Tuy nhiên, “nút thắt” này đã được gỡ bỏ khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chuyên gia Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam trực tiếp kiểm tra, giám sát kiểm dịch các lô vải xuất khẩu sang Nhật Bản. Như vậy, việc quả vải tươi Việt Nam thâm nhập thành công thị trường Nhật Bản sẽ giúp mở thêm những cánh cửa xuất khẩu mới sang các nước phát triển khác…
Nói điều đó để thấy rằng, trong công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19, báo chí luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, đồng hành cùng sự phát triển. Niềm vui của doanh nghiệp cũng là niềm vui của báo chí, nó sẽ được lan tỏa và nhân rộng trong toàn xã hội.
3. Trở lại với Kết luận số 77-KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, có đoạn: “Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế với những cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước; hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng tiếp cận các hình thức sản xuất kinh doanh mới, hiện đại, hiệu quả, phù hợp để đủ sức tham gia ngay các chuỗi giá trị mới, mở rộng quan hệ đối tác gắn với mở rộng thị trường khi cấu trúc kinh tế thế giới có sự thay đổi, điều chỉnh”.
Để đạt được mục tiêu đó thì rất cần sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của cơ quan quản lý, của địa phương và của cả cộng đồng doanh nghiệp. Trong quá trình ấy, báo chí luôn đồng hành cùng doanh nghiệp khi chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ; cũng như phản ánh những khó khăn vướng mắc doanh nghiệp gặp phải để tìm cách tháo gỡ.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, báo chí đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước vận động toàn dân làm nên điều kỳ diệu. Thì nay, trong giai đoạn mới hậu Covid-19, báo chí lại tiếp tục đồng hành vì sự phát triển. Đó cũng chính là sứ mệnh cao cả của những người cầm bút: Vì Đất nước, vì Nhân dân phục vụ!
Báo chí của chúng ta là nền báo chí Cách mạng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh và đặt nền móng vững chắc. Nhân 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020), xin được chúc các nhà báo chân chính luôn tâm sáng, bút sắc, vì Đất nước, vì Nhân dân mà tận tụy phục vụ; hạnh phúc trên con đường nghề nghiệp nhiều vất vả nhưng rất đỗi vẻ vang.