Tận dụng ‘giờ vàng’ với bệnh nhân đột quỵ

THANH MAI 05/11/2023 06:48

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 bệnh nhân bị đột quỵ, 50% trong số đó không thể qua khỏi. Đáng chú ý, tỉ lệ người trẻ dưới 40 tuổi mắc căn bệnh này đang tăng trung bình 2% mỗi năm. 

Người bệnh đột quỵ cần được điều trị nhanh chóng tối đa, đảm bảo “thời gian vàng”.

Xu hướng trẻ hóa

Mới đây, một cậu bé 10 tuổi đã được đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người phải, không nói được. Theo gia đình, khoảng đầu tháng 10, cháu đang chơi đùa thì bị đau đầu, sau đó méo miệng, nói khó.

Kết quả chụp CT, hội chẩn xác định đây là trường hợp đột quỵ não ở trẻ em rất hiếm gặp, lần đầu tiên Bệnh viện Đà Nẵng điều trị. Theo đó, bệnh viện kích hoạt báo động đỏ nội viện với mức độ đặc biệt, huy động hỗ trợ của các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, can thiệp mạch não, tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết; đồng thời hội chẩn khẩn với chuyên gia đột quỵ đầu ngành tại TPHCM.

Bác sĩ Phạm Như Thông - Phó trưởng khoa Đột quỵ (Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, bệnh viện quyết định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết để cứu bệnh nhi. Việc cứu sống bệnh nhân nhờ gia đình đưa cháu đến kịp thời trong thời gian vàng. Bệnh nhi đáp ứng điều trị, cải thiện dần sau quá trình điều trị thuốc và tập phục hồi chức năng tích cực.

Bác sĩ Thông khuyến cáo mọi người cần nắm rõ các dấu hiệu đột quỵ để khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng thì nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Qua trường hợp này cho thấy đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh xảy ra ở người trẻ hoặc trẻ nhỏ, hậu quả có thể rất nặng nề do di chứng cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hà Nội cho biết, nghiên cứu tại 10 trung tâm đột quỵ với hơn 2.500 bệnh nhân cho thấy 7,6% là người trẻ dưới 45 tuổi và có xu hướng tăng. Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000-225.000 ca đột quỵ, trong số này đến khoảng 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong. Bệnh nhân ngày càng trẻ. Tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam nhiều gấp 4 lần nữ. Ghi nhận tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi mắc đột quỵ đều tăng từ 20-25%, tăng gấp đôi so với những năm trước.

Đột quỵ não gồm hai dạng là nhồi máu não và xuất huyết não. Hầu hết đột quỵ ở người trẻ liên quan đến yếu tố nguy cơ, như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc, rượu bia, ít vận động thể lực... Đột quỵ ở người trẻ còn do những bất thường bẩm sinh như dị dạng mạch máu não vốn có từ bé, đến thời điểm các phình mạch đủ lớn gây ra vỡ.

Đột quỵ có thể sàng lọc và phòng ngừa

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, đột quỵ não (còn gọi là tai biến mạch máu não), là một nhóm bệnh gây tử vong và tàn tật khá phổ biến trên thế giới, trong đó nhiều người trẻ.

Đột quỵ thường xảy ra trên nền các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ đái tháo đường, huyết áp cao, mỡ máu cao, bệnh lý nhịp tim, những người hút thuốc lá, những người thừa cân béo phì… Khi gặp thời tiết giá rét khắc nghiệt, những trường hợp này rất dễ gặp bất ổn về sức khỏe. Bác sĩ Chi khuyến cáo: Khi bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, cần đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn, không dùng bất cứ thuốc gì hay đồ uống gì. Lý do là có thể lúc đó bệnh nhân bị rối loạn nuốt, nếu cho bệnh nhân ăn, uống có thể bị sặc. Đồng thời nhanh chóng đưa bệnh nhân an toàn đến bệnh viện sớm nhất để tận dụng được "giờ vàng”.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Phòng chống đột quỵ khu vực miền Bắc, đột quỵ có thể sàng lọc và phòng ngừa được. Người có tiền sử đau đầu, gia đình có người bị tai biến, người từ 40 tuổi trở lên huyết áp cao, mắc bệnh tim mạch cần được sàng lọc, chụp mạch não để can thiệp kịp thời và dự phòng đột quỵ.

Triệu chứng của đột quỵ gồm: tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng... Người bệnh đột quỵ cần được điều trị nhanh chóng tối đa, bao gồm chẩn đoán và xử trí cấp cứu, đặc biệt là tiêu huyết khối trong 4-5 giờ đầu.

Đối với đột quỵ thiếu máu não, khi mạch máu lớn trong não bị tắc, cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não chết và cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết. Cứ mỗi giờ trôi qua, số tế bào não chết tương ứng mất đi 3,6 năm tuổi thọ của người bình thường (trong trường hợp người bệnh may mắn sống sót). Bác sĩ Chi nhấn mạnh, "thời gian vàng" trong đột quỵ thiếu máu não là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông hoặc trong 6-8 giờ nếu lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não. Tuy nhiên, nếu người bệnh được điều trị càng sớm trong khoảng thời gian này thì cơ hội phục hồi, ít để lại di chứng càng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tận dụng ‘giờ vàng’ với bệnh nhân đột quỵ