Những ngày qua, cộng đồng mạng xã hội vô cùng xúc động khi xem video clip ghi lại cảnh hai bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) gục xuống vì kiệt sức khi đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Nhiều người tỏ ra xót xa, thương cảm bởi nỗi khó khăn, sự vất vả của đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống “giặc” dịch.
Làm sao có thể bàng quan khi được chứng kiến cảnh các y bác sĩ tận tâm làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn, khắc nghiệt đến suy kiệt sức lực? Ngay cả những người được coi là “máu lạnh” cũng không thể kìm nén được tiếng thở dài thương xót khi xem đoạn video clip được chia sẻ trên mạng xã hội này.
Nếu ai đó từng được chứng kiến, tiếp xúc với môi trường phòng dịch bệnh nguy hiểm sẽ hiểu được sự khốn khổ của đội ngũ y bác sĩ khi mang trên người bộ quần áo bảo hộ. Khi các y bác sĩ đã khoác bộ đồ bảo hộ phòng dịch lên người, điều đó đồng nghĩa với việc phải “tạm dừng” mọi nhu cầu thiết yếu như ăn, uống...
Chưa kể đến chuyện phải làm việc liên tục nhiều giờ, căng thẳng, mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần, chỉ riêng việc phải nhịn ăn, nhịn uống... trong thời gian dài cũng đã khiến cơ thể suy kiệt. Theo cơ chế sinh học, mỗi người có thể nhịn ăn một số ngày, nhưng nước uống thì không thể nhịn, nếu không cơ thể sẽ mất nước không thể trụ vững.
Ấy vậy mà khi thực hiện nhiệm vụ truy vết thần tốc để đảm bảo không cho đại dịch Covid-19 có cơ hội bùng phát trong cộng đồng, các y bác sĩ buộc phải mặc bộ đồ bảo hộ và chấp nhận “nhịn” mọi thứ. Khi không được nạp năng lượng cho cơ thể, lại lao động quần quật nhiều giờ liền, đến máy cũng phải “đổ mồ hôi” chứ nói gì đến con người.
Đó là còn chưa tính đến sự bất lợi của thời tiết mấy ngày qua. Dưới cái nắng rát, sự oi bức lên đến gần 40 độ C, nhiều người chẳng phải làm gì, ngồi quạt máy còn đang vã mồ hôi hột. Trong khi đó, không chỉ phải làm việc khẩn trương, căng thẳng, các y bác sĩ còn phải “đóng” bộ đồ bảo hộ, nhịn ăn, nhịn uống, làm sao có thể không kiệt sức?
Trường hợp hai bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Quế Võ kiệt sức đến ngã gục khi đang làm nhiệm vụ chiến đấu với “giặc” dịch không phải là xảy ra lần đầu tiên, cũng không hề hiếm gặp. Trước đó, trong cuộc chiến cam go với đại dịch Covid-19, cũng đã có một số y bác sĩ của TP Đà Nẵng ở trong trạng thái tương tự như hai bác sĩ nói trên.
Mọi người trong xã hội đều hiểu rằng, công việc của những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch không chỉ nguy hiểm bởi nguy cơ lây nhiễm Sars-CoV-2, mà còn ở sự lao lực vất vả, hao mòn thể chất, có thể gục ngã bất cứ lúc nào. Song, để đảm bảo sự bình yên cho cộng đồng xã hội, các anh, các chị vẫn vững vàng không hề nao núng.
Thương các anh, các chị lắm, nhưng chúng tôi không biết phải làm sao để san sẻ gánh nặng đó. Chỉ có thể cố gắng thực hiện nghiêm túc mọi khuyến cáo, yêu cầu phòng chống đại dịch để các anh, các chị không phải thêm phần lo lắng, vất vả. Hơn thế nữa, chúng tôi sẽ luôn đứng sau, làm hậu phương vững chắc để các anh chị yên tâm chiến đấu.
Càng thương đội ngũ các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch bao nhiêu, tôi và nhiều người trong xã hội càng căm giận những người vô ý thức đã làm lây lan Sars-CoV-2 trong cộng đồng bấy nhiêu. Chỉ vì ích kỷ cá nhân, sự vô ý thức, coi thường pháp luật của một số người mà đội ngũ y bác sĩ và toàn xã hội đang phải ngày đêm vất vả, lao tâm khổ tứ.
Có thể lấy ngay ví dụ từ trường hợp của vợ chồng một vị giám đốc ở Hà Nội. Chỉ vì thái độ coi thường kỷ cương phép nước của “cặp đôi” này mà hiện có tới hàng chục người đã nhiễm bệnh Covid-19 từ họ. Hàng trăm hộ dân bị đảo lộn cuộc sống, hàng nghìn tỷ đồng ngân sách tiêu tốn vô ích, đội ngũ y bác sĩ thì phải làm việc cật lực để truy vết.
Đáng tiếc, không chỉ có vợ chồng vị giám đốc trên, thời gian qua còn không ít người có hành vi vô ý thức tương tự, khiến cả xã hội điêu đứng, các chiến sĩ áo trắng vô cùng vất vả, ăn không ngon, ngủ không yên. Còn gì xót xa hơn khi thấy các anh chị kiệt sức gục ngã, còn gì đau lòng hơn khi cả tháng họ không có bữa cơm điền viên bên gia đình?
Vậy nên, tôi và đại bộ phận người dân trong xã hội mong muốn cơ quan bảo vệ pháp luật của TP Hà Nội cần khẩn trương khởi tố điều tra hành vi làm lây lan dịch bệnh của vợ chồng vị giám đốc vô ý thức trên. Các cơ quan chức năng trên toàn quốc cũng cần mạnh tay hơn nữa để không còn ai dám nhu nhơ giỡn mặt với pháp luật. Có như vậy mới không còn cảnh đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ biên phòng... gục ngã vì kiệt sức khi chống dịch.