Nếu như trước kia, muốn tìm việc, người lao động phải đến tận trung tâm dịch vụ việc làm mới có thể gặp và kết nối với doanh nghiệp, thì nay, bối cảnh của nền kinh tế số đã khác. Kinh tế số giúp doanh nghiệp và người lao động có thể kết nối với nhau kể cả cách xa hàng nhìn cây số.
Tuyển lao động mọi lúc, mọi nơi
Nhằm triển khai Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã chính thức triển khai thí điểm hệ thống quản lý điều hành sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các tỉnh/thành phố.
Để tham gia điều hành trực tuyến giữa doanh nghiệp (DN) và người lao động, mỗi trung tâm dịch vụ việc làm cần tạo tài khoản Google Meet miễn phí để tạo các phòng họp trực tuyến. Số lượng tài khoản phụ thuộc vào số lượng các DN tham gia mỗi phiên, mỗi DN sẽ được cấp 1 phòng họp riêng để phỏng vấn trực tuyến với người lao động.
Theo đánh giá chung, hệ thống đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong việc kết nối giữa DN và người lao động.
Ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm khẳng định, với hệ thống này các DN chỉ cần có tài khoản là có thể thực hiện việc tuyển dụng lao động ở mọi lúc, mọi nơi. Người lao động ở bất cứ đâu, khi biết thông tin có phiên giao dịch việc làm thì cũng có thể kết nối vào hệ thống để ứng tuyển phỏng vấn.
Đặc biệt thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm trực tuyến (địa chỉ: http://santructuyen.kncvietnam.vn), người lao động có thể theo dõi được quá trình diễn ra tuyển dụng, các thông tin về tuyển dụng công việc như độ tuổi, trình độ học vấn, yêu cầu công việc được DN cập nhật thường xuyên.
Về phía Cục Việc làm, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH), cho biết trước đây 63 trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện việc giao dịch tương đối độc lập, chỉ kết nối với vài địa phương. Thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo Cục Việc làm, Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm địa phương xây dựng công cụ kết nối giao dịch việc làm trực tuyến giữa trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương. Đây là bước cụ thể hoá nghị quyết của Chính phủ đảm bảo thị trường lao động kết nối một cách linh hoạt, đồng bộ.
“Trước kia khi DN và người lao động muốn kết nối, giao dịch với nhau thì người lao động đến tận Trung tâm Dịch vụ việc làm. Giờ đây, người lao động ở các địa phương có nhu cầu tìm việc ở Hà Nội thì không nhất thiết phải ra Thủ đô mà vẫn có thể kết nối liên hệ với DN bằng hình thức giao dịch trực tuyến” - ông Bình cho biết.
Số hóa để điều tiết cung - cầu lao động
Cũng theo ông Bình, sàn giao dịch việc làm trực tuyến của Nhà nước "không phải để cạnh tranh với các sàn giao dịch việc làm của tư nhân". Thậm chí, phần mềm còn hướng tới bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN.
"Căn cứ vào hệ thống giao dịch việc làm trực tuyến của Nhà nước, chúng tôi sẵn sàng mở kết nối với hệ thống giao dịch việc làm tư nhân và giúp cho hệ thống giao dịch việc làm tư nhân phát triển" - ông Bình nhấn mạnh.
Con số thống kê của Cục Việc làm cho biết, hiện cả nước có 50,3 triệu lao động bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng 17,0 triệu người, chiếm 33,6%; khu vực dịch vụ 19,7 triệu người, chiếm 38,9%. Tuy nhiên, trong đó có gần 34 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 65,6% tổng số lao động có việc làm. Chính vì vậy, hệ thống sàn giao dịch việc làm được dự đoán sẽ là bước chuyển mình lớn trong công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân lực và tổ chức vận hành các yếu tố của thị trường lao động, từ đó tạo sự đột phá trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường lao động.
“Bộ công cụ này còn đơn giản và chỉ mới là bước khởi đầu. Cục Việc làm sẽ sớm báo cáo Bộ LĐTB&XH xây dựng dự án đầu tư, xây dựng hệ thống sàn giao dịch việc làm quốc gia kết nối 63 sàn trên toàn quốc và kết nối hệ thống giao dịch tư nhân trong một vài năm tới” - ông Bình nói.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai sàn việc làm trực tuyến kết nối các điểm sàn trên toàn hệ thống trên địa bàn Hà Nội, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, việc ứng dụng sản phẩm này sẽ góp phần tiến tới hình thành hoạt động sàn giao dịch việc làm trên mạng hiệu quả hơn, phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay. Theo ông Thành, đây là bộ công cụ thiết thực hỗ trợ cho công tác nghiệp vụ của các trung tâm dịch vụ việc làm, tuy nhiên cần có những điều chỉnh, làm sao càng gần gũi với người dùng càng tốt. Yêu cầu về trình độ công nghệ thông tin ở mức vừa phải để dễ sử dụng nhất, cách thức tiếp cận đối với DN và người lao động thuận lợi nhất.