Ngày 20/12, tại Hà Nội, Bộ GDĐT tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục.
Hội thảo do hai Thứ trưởng Bộ GDĐT: Nguyễn Hữu Độ và Hoàng Minh Sơn đồng chủ trì, Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) là đơn vị tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 131/QĐ-TTg về Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Xác định vai trò quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua, ngành Giáo dục đã ứng dụng CNTT và chuyển đổi số góp phần chuyển đổi mạnh mẽ, xây dựng nền giáo dục thông minh, hiệu quả.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhìn nhận, dịch Covid-19 khiến toàn ngành chuyển trạng thái từ dạy và học trực tiếp sang trực tuyến. Dù hoàn cảnh khó khăn, việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số đã góp phần thực hiện 3 mục tiêu trong năm học gồm: an toàn về dịch, hoàn thành chương trình và kiên trì mục tiêu chất lượng. Ngoài ra, chuyển đổi số đã giúp ngành Giáo dục tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng.
Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT), thời gian qua, việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của Bộ GDĐT nói riêng và ngành Giáo dục nói chung đã đạt được một số kết quả quan trọng. Năm 2022, Cục Công nghệ thông tin vinh dự nhận giải thưởng chuyển đổi số khối cơ quan nhà nước do Bộ Thông tin và truyền thông bảo trợ, Hội truyền thông số Việt Nam chủ trì.
Bộ GDĐT đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả trường học từ mầm non đến phổ thông; tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 sở GDĐT, 710 phòng GDĐT. Qua đó, số hóa, gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh, hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý từ 53 nghìn trường học và thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học.
Đồng thời, việc ứng dụng CNTT phục vụ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học đã được triển khai đồng bộ, triệt để.
Hệ thống dịch vụ công quốc gia đã tiếp nhận hồ sơ của hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2022, trong đó số học sinh đăng ký trực tuyến đạt hơn 93%; gần 3 triệu nguyện vọng xét tuyển được thí sinh đăng ký trực tuyến; 97% thí sinh đã thực hiện các hình thức thanh toán trực tuyến (không dùng tiền mặt) trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT trong dạy học được tăng cường triển khai trong toàn ngành. Bộ GDĐT đã ban hành hướng dẫn về xây dựng học liệu số và khoá học trực tuyến. Kho học liệu số toàn ngành được xây dựng và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa hơn 7.000 bài giảng điện tử e-learning, hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình.
Dù cơ sở dữ liệu bước đầu đưa vào khai thác có hiệu quả, tuy nhiên việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số gặp phải một số khó khăn, thách thức xoay quanh các vấn đề như hành lang pháp lý, nhận thức, nguồn lực, điều kiện tổ chức...
Cục Công nghệ thông tin cho biết, trong thời gian tới, Bộ GDĐT có kế hoạch cung cấp miễn phí phần mềm quản trị cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non; nâng cấp mở rộng cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, phổ thông cung cấp miễn phí cho các Sở, Phòng... Đưa vào triển khai chính thức cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học phục vụ quản lý điều hành về giáo dục đại học cùng nhiều kế hoạch khác liên quan đến phần mềm dạy học trực tuyến, kho học liệu số dùng chung của ngành Giáo dục...
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã tập trung thảo luận về các hiện trạng, thuận lợi, khó khăn và trao đổi kinh nghiệm và giải pháp triển khai quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận và đánh giá cao ý kiến góp ý, chia sẻ của đại diện các sở GDĐT, chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Về những khó khăn, vướng mắc mà các ở GDĐT có đề cập, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, Bộ GDĐT sẽ tiếp thu và từng bước hoàn thiện, từ đó tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục, các địa phương bằng những giải pháp khả thi.