Ô nhiễm không khí vẫn là vấn đề nóng khi gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Chất lượng không khí luôn ở mức kém
Chất lượng không khí (AQI) tại Việt Nam được chia làm năm nhóm, gồm: Nhóm tốt (tương ứng với chỉ số AQI từ 0 đến 50), nhóm trung bình (AQI từ 51 đến 100), nhóm kém (AQI từ 100 đến 150), nhóm xấu (AQI từ 151 đến 200), nhóm rất xấu (AQI từ 201 đến 300) và nhóm nguy hại (AQI từ 300 trở lên).
Như vậy, nếu tính từ đầu năm 2021 tới nay, không khí ở thành phố Hà Nội luôn nằm trong mức kém với chỉ số AQI phổ biến từ 100 - 200. Ở ngưỡng ô nhiễm này, con người có thể bị ảnh hưởng sức khỏe, nhóm người nhạy cảm (người già, trẻ em) có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Tương tự, chỉ số bụi mịn PM 2.5 có thời điểm dao động từ 90 đến 140, đây được xem là mức “nguy hiểm”.
Nhiều thời điểm, hệ thống quan trắc PAM Air ghi nhận ô nhiễm không khí không chỉ ở Hà Nội mà còn khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ như Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Phú Thọ, Hải Phòng, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên,…với chỉ số AQI có nơi trên 400 ở ngưỡng rất xấu (rất có hại cho sức khỏe mọi người).
Còn tại TP HCM, thời gian qua người dân đã phải đối mặt với nhiều đợt không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí thực hiện, ô nhiễm không khí tại TP HCM đến từ 3 nguồn chính: Nguồn giao thông chiếm khoảng 50%, nguồn diện (hoạt động từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, nông nghiệp, công trình xây dựng...) chiếm khoảng 30%, còn lại là nguồn điểm (hoạt động công nghiệp, bệnh viện, khách sạn).
Hà Nội và TP HCM từng góp mặt trong danh sách 10 thành phố có chất lượng không khí kém nhất toàn cầu, với vị trí xếp hạng lần lượt là thứ 5 và thứ 8.
Theo ông Lê Hoài Nam- Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), môi trường không khí chịu tác động từ nhiều yếu tố, hay nói cách khác ô nhiễm không khí bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, như hoạt động giao thông vận tải; xây dựng; sản xuất công nghiệp; hoạt động đốt ngoài trời; ô nhiễm xuyên khu vực, xuyên biên giới và tác động bất lợi của điều kiện thời tiết, khí hậu.
Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí
Từ nguyên nhân trên có thể thấy rõ, trách nhiệm quản lý nguồn thải gây ô nhiễm không khí cũng phải được phân định rõ ràng từ các bộ, ngành có liên quan và đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Từng bộ ngành, địa phương phải chủ động rà soát các quy định về quản lý các nguồn thải có khả năng gây tác động đến chất lượng môi trường không khí, cụ thể như Bộ Giao thông vận tải phải rà soát hoàn thiện các chính sách liên quan đến quản lý chất lượng phương tiện giao thông vận tải, xây dựng các công trình phục vụ giao thông; Bộ Xây dựng phải rà soát các quy định về quy hoạch đô thị, cây xanh, mặt nước, bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng các công trình; Bộ Công thương phải rà soát các quy định về bảo vệ môi trường từ hoạt động của các nhà máy, việc cung ứng nhiên liệu sạch phục vụ hoạt động sản xuất, vận tải…
Ông Nam cho biết, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các Bộ ngành và địa phương để thực hiện nội dung này. Tuy nhiên, trước mắt, Bộ sẽ chủ động xây dựng để trình ban hành các quy định về quản lý chất lượng không khí trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành các Điều 12, 13 và 14 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 làm cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý chất lượng không khí.
Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ về quản lý chất lượng không khí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Đặc biệt, từ nay đến giữa năm 2021, cần thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng thuộc phạm vi quản lý, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, TP HCM và các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao ô nhiễm không khí thực hiện nghiêm việc xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng không khí của địa phương theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó trong trường hợp không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý; triển khai công tác kiểm kê nguồn khí thải, quan trắc, đánh giá về ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5), hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên phương án, xác định nội dung để làm việc với các địa phương. Trước mắt tổ chức làm việc với 2 địa phương lớn nhất và gặp nhiều vấn đề về ô nhiễm không khí là thành phố Hà Nội và TP HCM để tìm các giải pháp hữu hiệu.