Bắt đầu từ ngày 15/4 cho đến 15/5, TP Hà Nội thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2023. Trong đó, việc thanh, kiểm tra đối với bếp ăn trường học sẽ được chú trọng đặc biệt.
Kiểm tra định kỳ và đột xuất
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, toàn thành phố hiện có gần 4.400 bếp ăn tập thể trường học. Thời gian qua, thành phố đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn tập thể, nhất là bếp ăn trường học - vấn đề liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ sức khỏe học sinh và luôn nhận được sự quan tâm của xã hội cũng như các bậc phụ huynh.
Từ đầu năm 2023 đến nay, 3 đoàn thanh, kiểm tra, hậu kiểm của thành phố đã thanh, kiểm tra công tác an toàn thực phẩm theo kế hoạch. TP Hà Nội cũng thành lập 2 đoàn truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn tập thể tại 5 quận, 5 huyện; tổ chức các đoàn giám sát mô hình điểm về an toàn thực phẩm tại các quận, huyện. Qua thanh, kiểm tra 58 cơ sở thực phẩm, đoàn kiểm tra đã phát hiện và xử lý 3 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt gần 250 triệu đồng.
Trong ngày 19/4, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của TP Hà Nội đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Cụ thể, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã tiến hành kiểm tra tại bếp ăn tập thể của Trường Tiểu học Phúc Tân. Nhà trường hiện cung cấp suất ăn cho 515 học sinh bán trú. Theo báo cáo về công tác quản lý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại Trường Tiểu học Phúc Tân, trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn sẵn Công ty TNHH Cung cấp suất ăn Hoa Sữa. Đơn vị có đầy đủ giấy phép kinh doanh; Chứng nhận đạt yêu cầu tiêu chuẩn ISO 22000:2018 trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng xuất ăn chế biến sẵn; Hồ sơ năng lực theo quy định.
Trực tiếp kiểm tra và làm việc với UBND quận Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đề nghị, đối với vấn đề an toàn thực phẩm tại trường học, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các nhà trường cần tăng cường giám sát nguồn nguyên liệu đầu vào hàng ngày và tổ chức các đoàn kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm mà đơn vị ký hợp đồng cung cấp cho trường.
Tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Theo số liệu từ Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2022 và 2023, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện trên địa bàn thành phố gồm: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì...
Với mô hình này, Sở Y tế Hà Nội đặt ra mục tiêu 100% bếp ăn tập thể trường tiểu học được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ký cam kết trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm; niêm yết công khai địa chỉ nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm tại bảng tin nhà trường; 100% người lãnh đạo quản lý, người chế biến, người kinh doanh, cô nuôi tại các trường tiểu học xây dựng mô hình được bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% bếp ăn tập thể trường tiểu học được kiểm tra, giám sát theo quy định.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đưa vào nhà trường phải được làm toàn diện, thường xuyên từ khâu nuôi trồng, đánh bắt đến khâu vận chuyển, bảo quản và khi đưa vào tổ chức chế biến trong bếp ăn tập thể. Nhà trường phải nêu cao vai trò của tổ tự giám sát, đối với nguyên liệu thực phẩm đầu vào, phải có hồ sơ giao nhận, có biên bản ký giao nhận và có sự tham gia của ban phụ huynh học sinh tham gia đảm bảo tốt nhất an toàn thực phẩm để học sinh có bữa ăn an toàn, đảm bảo dinh dưỡng và chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong khuyến cáo, không chỉ trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, quận Hoàn Kiếm cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm về an toàn thực phẩm xuyên suốt trong năm. Qua đó, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm.