Trong bối cảnh hiện nay, công tác Mặt trận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đang đứng trước những thời cơ và thách thức nhất định.
Việc quan tâm, nghiên cứu, nắm vững những thuận lợi và khó khăn của công tác vận động đồng bào DTTS, đồng thời có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương sẽ góp phần làm cho vùng đồng bào DTTS và miền núi ổn định, phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Theo TS Lò Giàng Páo - Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc (UBTƯ MTTQ Việt Nam), trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về công tác dân tộc, trong đó có chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống, tạo điều kiện để người dân vùng đồng bào DTTS phát triển sản xuất. Mặc dù, trong thời gian đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến nền kinh tế - xã hội, nhưng các bộ, ngành, địa phương luôn cố gắng dành nguồn lực để người dân vùng đồng bào DTTS tiếp tục được thụ hưởng các chính sách xã hội, tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội.
“Có thể nói, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã tác động tích cực đến sự ổn định và phát triển toàn diện, bền vững của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, hoạt động ở một số nơi vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa thực sự sâu sát, gắn với lợi ích thiết thực của đồng bào, năng lực thu hút, tập hợp quần chúng còn hạn chế” - TS Lò Giàng Páo nêu vấn đề.
Từ thực tiễn của công tác vận động đồng bào DTTS trong những năm qua, nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác dân vận, vận động đồng bào DTTS trong thời gian tới, TS Lò Giàng Páo cho rằng, trong công tác dân vận của hệ thống chính trị, cần tăng cường vận động đồng bào các dân tộc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào DTTS, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và đồng bào các DTTS đặc biệt khó khăn. Vận động các nguồn lực trong nhân dân tham gia đầu tư xây dựng các khu kinh tế mới, hỗ trợ một bộ phận đồng bào DTTS không có đất hoặc ít đất tìm việc làm hoặc giúp nhau chuyển nghề làm ăn sinh sống.
Đồng thời, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể phối hợp chỉ đạo thực hiện những đề án cụ thể giúp nhân dân tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, tăng cường mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp đồng bào có kiến thức và kinh nghiệm về sản xuất kinh doanh, từ đó tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản xuất theo hướng tạo nên những vùng sản xuất hàng hoá lớn, tập trung; ưu tiên về vốn, đất đai, thuế, tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, cốt cán, đoàn viên, hội viên là người DTTS trong công tác tuyên truyền, cử cán bộ bám sát địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS để tham mưu giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đồng bào các dân tộc.
“Mặt trận và các đoàn thể nhân dân cần thực hiện tốt vai trò phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở tôn trọng các phong tục, truyền thống tốt đẹp của từng vùng đồng bào DTTS, tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, trưởng bản, trưởng tộc, các chức sắc tôn giáo, các cốt cán người DTTS, tổ chức cho nhân dân thảo luận, xây dựng và thực hiện tốt các quy ước, hương ước ở các thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc phù hợp với chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước” - TS Lò Giàng Páo cho hay.