Ngày 26/12 tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, ngay trong năm đầu thực thi, xuất khẩu của Việt Nam sang 2 thị trường mới là Canada và Mexico đã tăng trưởng gần 30%. Những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang khối thị trường này đã đạt khoảng 6 tỷ USD, đóng góp rất đáng kể cho thành tích chung về xuất khẩu của cả năm.
Sau 3 năm thực thi, các doanh nghiệp (DN) Việt đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại khu vực CPTPP và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước là thành viên của CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ CPTPP đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6% so với năm 2020. Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ.
Quan trọng hơn, CPTPP đã giúp chúng ta có một vị thế mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế khi tham gia các FTA khác.
Theo ông Bùi Tuấn Hoàng- Trưởng Phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), thị trường CPTPP có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm thuộc ngành điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, thủy sản… Ngay sau khi có hiệu lực, năm 2021, xuất khẩu dệt may của chúng ta vào thị trường này đã tăng 19,4%, đồ gỗ 10,5%, hạt điều 20%…