Xuất khẩu rau, quả đang có mức tăng trưởng rất mạnh, nhưng bù lại nhập khẩu mặt hàng này cũng tăng không kém.
Ngoài ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc thì việc làm thế nào chinh phục thị trường mới, tránh chuyện rớt giá và làm sao tăng lượng, tăng giá trị xuất khẩu... là những yêu cầu khắt khe với ngành hàng đang đứng thứ 3 trong số các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Trong những tháng đầu 2017, xuất khẩu rau, quả của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, đạt kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD. Tính bình quân mỗi ngày mặt hàng rau quả mang về khoản ngoại tệ gần 8,2 triệu USD, tương đương số tiền gần 190 tỷ đồng/ngày.
Với kết quả trên, mặt hàng rau, quả tiếp tục duy trì vị thế thứ 3 trong số các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (sau thủy sản và cà phê).
Song song với đó, lượng nhập khẩu rau, quả trong 5 tháng vừa qua cũng tăng rất cao, nhập khẩu ước đạt 469,833 triệu USD, tăng 147% so với cùng kỳ 2016. Như vậy, trong 5 tháng, rau quả ước xuất siêu 895,465 triệu USD.
Có thể thấy, những năm gần đây, xuất khẩu rau, quả Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ trung bình 26,5%/năm, từ 439 triệu USD trong năm 2009 đến gần 2 tỷ USD vào năm 2015 và được kỳ vọng tăng trưởng hơn nữa do nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tăng cao trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Hữu Đạt, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh rằng, sức tăng trưởng mạnh của xuất khẩu rau, quả như hiện nay cũng là thách thức lớn để các DN ngành này phải có sự cải thiện tốt hơn nữa để tiếp tục chinh phục các thị trường mới, tránh chuyện rớt giá và làm sao tăng lượng, tăng giá trị xuất khẩu.
TS Đạt cho biết, trong 10 nước xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam thì Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ vẫn là 3 thị trường lớn nhất. Tỷ lệ xuất khẩu trái cây cho thấy có sự khác nhau giữa thị trường bình thường, truyền thống và thị trường khó tính.
Liên quan đến thị trường xuất khẩu, theo TS Nguyễn Hữu Đạt, hiện mặt hàng rau, quả của nước ta đã có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ… trong đó có nhiều thị trường vốn nổi tiếng đòi hỏi cao về chất lượng như Hoa kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…
Gần đây, trong xuất khẩu rau, quả của Việt Nam đã có những bài học vượt khó như thanh long, chôm chôm, nhãn đã xuất thành công sang thị trường Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận trong thời gian qua nhập khẩu rau, quả của một số nước vào Việt Nam cũng tăng trưởng ngoạn mục .
Sở dĩ có điều này là do ngoài việc tạo được thương hiệu, hàng có chất lượng, những nước này cũng đã tham gia được vào hệ thống phân phối hàng hoá tại Việt Nam. Và đây là một bài học mà các DN xuất, nhập khẩu về các mặt hàng này của chúng ta cần học hỏi trong thời gian tới.
Theo chuyên gia, để tiếp tục giữ và tăng mức độ tăng trưởng, DN xuất khẩu rau, quả của Việt Nam cần cố gắng tăng lượng xuất khẩu tại thị trường khó tính, chủ động liên kết nhau thực hiện các chương trình quảng bá phù hợp.
Đồng thời, các DN cũng nên tham gia và thâm nhập từng bước vào khâu phân phối tại chính thị trường nhập khẩu để bảo vệ và tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa của mình xuất khẩu sang đây.
Điều quan trọng là các DN cần tự cải thiện để có thể tăng thêm giá trị hợp đồng xuất khẩu đi các thị trường bình thường, cũng như cải thiện giá cả cạnh tranh khi xuất khẩu rau, quả đi cả thị trường khó tính.
Điều hết sức lưu ý là các DN xuất khẩu nên loại bỏ những rủi ro do vấn đề chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm gây ra.
Hơn nữa, các DN cũng cần chủ động hợp tác với nhà sản xuất để hỗ trợ họ tham gia hợp tác hóa để sản xuất cây ăn quả ở quy mô lớn hơn, tiền đề để nguyên liệu sản xuất ra đồng nhất hơn.