Tăng lương tối thiểu đầu năm 2016: Lo ngại cắt giảm phụ cấp

Thanh Giang 17/12/2015 07:05

Tăng lương tối thiểu vùng trong đầu năm 2016 là sự chờ đợi  đầy ý nghĩa đối với người lao động. Song nhiều ý kiến cho rằng, để “món quà” tăng lương được trọn vẹn, cần  phải giám sát hoạt động triển khai, tránh tình trạng tăng lương nhưng lại cắt hoặc kéo giảm các khoản phụ cấp, trợ cấp, thưởng…

Tăng lương, công nhân có điều kiện nới lỏng chi tiêu. Ảnh: S.Xanh.

Công nhân vui vì tăng lương

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng áp dụng từ 1-1-2016 là tăng 12,4%. Theo kế hoạch, mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động quy định như sau: vùng I: 3.500.000 đồng/tháng; vùng II: 3.100.000 đồng/tháng; vùng III: 2.700.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng.Tức là so với mức lương cũ tăng từ 250.000 đến 400.000 đồng. Trước thông tin tăng lương, hầu hết người lao động cảm thấy vui mừng vì thu nhập được tăng thêm, chi tiêu được nới lỏng đôi chút.

Với một lượng lớn công nhân tại các tỉnh thành như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… thì việc tăng lương trở thành niềm vui lớn. Mức tăng không quá cao nhưng nhiều kế hoạch, nhiều hứa hẹn dựa trên đó đã được đặt ra. Bà Lê Thị Thiên, công nhân điện tử tại quận 9, TP. HCM không giấu được niềm vui từ việc tăng lương.

Bà Lê Thị Thiên tâm sự: “Thông tin tăng lương tối thiểu vùng như món quà đầu năm mới của công nhân chúng tôi. Thu nhập tăng thêm được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Với mức từ 250.000 - 400.000 đồng dù không quá cao nhưng cũng giúp tôi cải thiện cuộc sống hiện nay tốt hơn”.

Bà Thiên cho hay, tiền lương tăng thêm sẽ dành vào số tiền gởi về quê hàng tháng để chăm lo cho hai đứa con gái đang tuổi ăn học mà bấy lâu nay vẫn đang được sự hỗ trợ thêm từ ông bà nội - ngoại.

Theo bà Thiên, thu nhập một tháng khoảng 5 triệu đồng - với mức này phải thắt chặt chi tiêu nếu không sẽ không đủ. Không quá lo lắng, khó khăn so với các cặp vợ chồng công nhân đã có con, vợ chồng bà Âu Hoài Hương, công nhân quận Tân Bình cho rằng, dù cho không phải chu cấp cho gia đình song mức lương hiện nay vợ chồng bà cũng phải dè xẻn không ít. Vợ chồng bà Âu Hoài Hương hy vọng, đời sống được nâng lên chút đỉnh từ việc tăng lương.

Trước thông tin tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động, ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc công ty TNHH Ánh Vinh (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho biết, công ty thuộc vùng 4 chính vì vậy tới đây công nhân sẽ được lưởng mức tương đương theo quy định mới.

“Nếu áp dụng tăng lương tối thiểu từ ngày 1/1/2016, mỗi công nhân sẽ được tăng thêm khoảng 400.000 đồng/tháng. Đây là mức thu thêm không hề ít, mong công nhân sẽ thoải mới hơn trong việc trang trải đời sống hàng ngày”, ông Nguyễn Thành Vinh nói.

Theo ông Vinh, hiện mỗi tháng công ty trả cho người lao động bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/ người, mức thu nhập như trên không nhiều song cũng khá cao so với mặt bằng chung của công nhân cả nước. Để có thể đảm bảo đời sống của người lao động như thời gian vừa qua công ty phải cân đối lại nguồn ngân quỹ và gia tăng sản lượng bằng cách tích cực tìm thêm bạn hàng, đối tác. Chính nhờ vào sự cố gắng của toàn thể công ty nên sản xuất ổn định, điều kiện tăng lương tối thiểu cho người lao động đảm bảo thực hiện tốt.

Ngăn cắt, giảm các khoản khác

Mặc dù thông tin tăng lương là thông tin tốt, tuy nhiên nhiều ý kiến có phần quan ngại và sợ lương tăng thì nhiều loại hàng hóa, xăng dầu, điện nước…cũng rục rịch tăng theo. Chưa hết, nhiều DN thấy tăng lương chắc chắn lại kéo giảm các chế độ khác của người lao động xuống, như: phụ cấp, tiền thưởng…

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, việc tăng lương tối thiểu mỗi năm là việc làm ý nghĩa đối với người nhân lao động. Tuy nhiên, DN có thể lách luật. Trên danh nghĩa là có tăng lương nhưng lại cắt giảm các khoản chi phí khác của người lao động.

Bàn về việc giám sát triển khai tăng lương cho người lao động đại diện lãnh đạo Công đoàn các Khu công nghiệp - Khu chế xuất TP HCM khẳng định, đến nay đã có 10 DN trong số 765 DN đã điều chỉnh xong mức lương cho người lao động, chậm nhất đến cuối tháng 12, tất cả các DN sẽ điều chỉnh xong.

Với 280.000 lao động đang làm việc tại 15 khu chế xuất khu công nghiệp của TP HCM, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động khi được điều chỉnh tăng lương tối thiểu, công đoàn Khu công nghiệp – Khu chế xuất TP HCM yêu cầu, DN nhanh chóng triển khai tăng lương cho người lao động theo đúng quy định. Đồng thời yêu cầu, DN khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm…. Cắt các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do DN quy định khi thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của DN.

Song song với chỉ đạo triển khai tăng lương cho người lao động, ông Nguyễn Thành Đô - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp - Khu chế xuất TP HCM cho hay, song song hoạt động triển khai công đoàn Khu công nghiệp – Khu chế xuất còn chỉ đạo các công đoàn cơ sở cần tăng cường theo dõi giám sát việc thực hiện tăng lương tối thiểu của DN.

“Các cơ quan chức năng cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ không để DN nào vi phạm. Trường hợp vi phạm cần báo ngay cho công đoàn cấp trên để kịp thời xử lý vào mỗi khi có đợt tăng lương”, ông Phạm Xuân Hồng kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng lương tối thiểu đầu năm 2016: Lo ngại cắt giảm phụ cấp