Mặc dù phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia bàn về lương tối thiểu vùng năm 2018 chưa diễn ra, nhưng tại hội nghị đối thoại với lãnh đạo Bộ LĐTBXH cuối tuần qua, hơn 100 doanh nghiệp đã cùng than khó và xin hoãn không tăng lương tối thiểu vùng.
Thay vì than khó, các DN cần đầu tư máy móc để tăng năng suất.
Doanh nghiệp than
Tại phiên đối thoại, đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty May 10 kiến nghị: Chính phủ không nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Với mức lương tối thiểu vùng 1 như hiện nay là 3,75 triệu đồng, cộng với hệ số 1,13 theo quy định, thì lương tối thiểu mà công ty đang trả là hơn 4 triệu đồng/tháng. Riêng mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, tiền đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) và các phí khác của công ty đã “đội” lên là 22 tỷ đồng.
“Dưới góc độ của người lao động, tôi đồng tình rằng tăng lương tối thiểu để đảm bảo đời sống cho người lao động là hợp lý. Nhưng dưới góc độ của người sử dụng lao động thì việc tiền lương tối thiểu cứ tăng liên tục, đều đặn hàng năm sẽ vượt khả năng chi trả của doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp không thể tồn tại thì việc tiền lương tối thiểu tăng 5%, 7% hay 13% sẽ không còn ý nghĩa. Doanh nghiệp cũng sẽ không dám đầu tư mở rộng do chi phí cho nhân công cao, dẫn đến mất khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực”, ông Việt nói.
Ông Việt dẫn chứng: Đối với ngành may mặc, quỹ tiền lương chiếm khoảng 60% tổng chi phí. Vì vậy, nếu như tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng, với những công ty sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực may mặc sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng như sự phát triển của ngành. Bên cạnh đó, ngành may mặc trả lương theo sản phẩm.
Nếu cứ tăng lương tối thiểu vùng hàng năm, nhiều lao động có chất lượng thấp sẽ vẫn được hưởng lương cao, dẫn đến tâm lý ỷ lại của người lao động. Trong số 12.000 lao động của công ty May 10 thì có khoảng 5% thường phải bù lương vì không đáp ứng được tay nghề dù đã qua đào tạo. Hiện quỹ lương hàng tháng Công ty đang trả là 60 tỷ đồng/tháng, trong khi lợi nhuận cả năm Công ty chỉ đạt khoảng 50 tỷ đồng.
Không chỉ đề xuất tạm hoãn việc tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2018, tại hội nghị, đại diện công ty May 10 cũng đề xuất giữ lại 90% kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn tại cơ sở để chăm lo cho người lao động, đồng thời chưa áp dụng cách tính đóng BHXH mới từ năm 2018 để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Đồng tình với ý kiến của ông Việt, đại diện Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí, bà Vũ Thị Hà cũng cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng nên giãn thời gian, không nên năm nào cũng tăng như gần đây. “Bởi trên thực tế, dù tăng lương tối thiểu vùng, nhưng thu nhập người lao động vẫn giảm, vì phải tăng mức đóng BHXH và công đoàn phí”- bà Hà cho biết.
Không thể không tăng lương
Trước đề xuất của các doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động tiền lương ( Bộ LĐTBXH) Lê Văn Thành khẳng định: Sẽ phải điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, nhưng tăng lương ở mức độ nào vẫn đang trong quá trình tham vấn các bên và sẽ quyết định ở phiên họp cuối cùng. Việc nâng lương sẽ đảm bảo 3 vấn đề: Hài hòa lợi ích trong tạo việc làm cho NLĐ, chi phí của doanh nghiệp phù hợp, đời sống của NLĐ được cải thiện.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, kiêm Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp cho biết: Không chỉ riêng các doanh nghiệp có mặt tại hội nghị đối thoại kiến nghị không tăng lương tối thiểu vùng, mà một số hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI cũng đã kiến nghị không tăng lương tối thiểu vùng.
Do đó, giãn lộ trình tăng lương tối thiểu là một trong những ý kiến Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ phải cân nhắc. Song lương tối thiểu vùng năm 2018 vẫn sẽ tăng, nhưng tăng bao nhiêu sẽ quyết định tại phiên họp Hội đồng Tiền lương sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 này.
“Cả hai bên đều không hài lòng nếu như tăng hoặc không tăng. Về phía cơ quan nhà nước, Hội đồng Tiền lương sẽ họp trên cơ sở hai bên thương lượng với nhau, đạt mức sống tối thiểu hay không thì chưa biết, nhưng phải cải thiện được mức sống tối thiểu, phải đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp, phù hợp với năng suất lao động và mức tăng chỉ số giá tiêu dùng”- Thứ trưởng Diệp nói.
Theo quy định, từ 1/1/2018, ngoài những khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc theo quy định hiện hành, sẽ bổ sung nhiều khoản thu nhập của NLĐ làm cơ sở tính đóng BHXH bắt buộc. Trong đó, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. Việc tăng lương và tăng mức đóng BHXH nhằm đảm bảo ổn định đời sống, an sinh xã hội cho người lao động.
Do vậy để giảm bớt khó khăn, áp lực từ việc tăng lương, tăng mức đóng BHXH, thiết nghĩ các doanh nghiệp thay vì kêu than cần nỗ lực đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, đảm bảo tốt hơn đời sống người lao động.