Lương cơ sở tăng, người lao động chưa kịp mừng thì nhiều khoản chi phí khác cũng được đà tăng theo, đặc biệt là khoản nộp thuế thu nhập cá nhân. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc hiện đã quá lạc hậu, không đủ đảm bảo đời sống cho người dân.
Việc tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, cũng có thể dẫn đến việc thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của một bộ phận người lao động phải đóng sẽ cao hơn.
Trách nhiệm đi cùng nỗi lo
Chị Cao Thu Hằng (quận Long Biên, Hà Nội) thuộc ngạch công chức A3.2 tính toán, hệ số lương của chị đang ở mức 5.75, từ ngày 1/7 sẽ tăng thêm khoảng 1,7 triệu đồng, cộng thêm tiền phụ cấp và các khoản thù lao khác, tổng thu nhập mỗi tháng của chị lên tới 30 triệu đồng. Sau khi trừ đi mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân là 11 triệu đồng thì số tiền còn phải đóng thuế đã lọt vào khung trên 18 triệu đồng đến 32 triệu đồng. Vì vậy, chị Hằng phải đóng thuế 20% trên thu nhập chịu thuế, tương ứng tiền thuế mỗi tháng khoảng 2,1 triệu đồng.
Thuế TNCN dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%. Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%. Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ 1/1/2009 và sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2012 và năm 2014.
Chia đi tính lại, chị Hằng cho rằng ngỡ rằng tăng lương rồi sẽ có thêm một khoản thu nhập nhưng rồi giá các mặt hàng, tiền đóng thuế TNCN cũng tăng theo nên rồi đâu lại vào đó.
Với số tiền lương trước đây, chị Hằng chỉ phải chịu thuế TNCN là 15%. Lương tăng một bậc thì thuế suất cũng tăng theo. Trong khi đó gia đình chị đang chăm sóc người mẹ đã lớn tuổi, mất sức lao động cùng 1 người con gái sắp vào đại học. Mức giảm trừ gia cảnh được tính theo mức lương của người chồng. “Mỗi tháng gia đình tôi chi khoảng 5 - 7 triệu đồng cho con đi học. Sắp tới con tôi học đại học thì số tiền đó chắc chắn sẽ tăng thêm gấp 2 - 3 lần. Chưa kể mẹ tôi mắc bệnh xương khớp, mỗi lần đi viện khám bệnh ít thì mất 1 - 2 triệu đồng mà nhiều thì cũng phải 4 - 8 triệu đồng. Chưa tính đến tiền sinh hoạt phí, nay lại thêm một khoản đóng thuế TNCN tăng thêm mà mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên khiến tôi khá lo lắng về kinh tế của gia đình”- chị Hằng tâm tư.
Đặt trong bối cảnh hiện nay thì Luật Thuế TNCN đã bộc lộ sự lỗi thời cần xem xét và chỉnh sửa toàn diện. Đặc biệt, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng bị đánh giá là chưa theo kịp tốc độ tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và quyền lợi của người dân.
Theo phân tích của TS Nguyễn Hữu Huân (Trường Đại học Kinh tế TPHCM), ở những đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM… chi phí sinh hoạt của người dân cao nên mức tính thuế TNCN như hiện nay và mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp; người đóng thuế khó khăn từ đó không có động lực làm việc.
Cần điều chỉnh để khuyến khích người lao động
Luật Thuế TNCN được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2007, có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Trong quá trình thực hiện, để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng giai đoạn, luật thuế đã hai lần được sửa đổi, bổ sung và đang tiếp tục chuẩn bị được sửa đổi, bổ sung một lần nữa để phù hợp với thực tế. Theo kết quả rà soát toàn bộ 35 Điều của Luật Thuế TNCN, Bộ Tài chính đã xác định có 22 Điều cần phải sửa đổi, bổ sung. Trong đó, chủ yếu liên quan đến thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, mức giảm trừ gia cảnh... Ngoài ra còn có các nhóm vấn đề mang tính kỹ thuật khác.
Theo giới chuyên gia, có 2 bất cập lớn nhất của Luật Thuế TNCN là quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện không phù hợp với thực tế và cách tính thuế lũy tiến theo 7 bậc quá rườm rà.
Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách đưa ý kiến, Luật Thuế TNCN đã được xây dựng, áp dụng trong thời gian dài dẫn đến con số tuyệt đối giảm trừ gia cảnh tính thuế lạc hậu. Việc sửa đổi cần được đánh giá toàn diện và cân đối hài hòa trong điều chỉnh luật pháp có liên quan.
Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, nếu chỉ tăng mức giảm trừ gia cảnh nhưng vẫn giữ các bậc thuế và thuế suất thì chỉ điều chỉnh rất ít cho những người chưa đến ngưỡng nộp thuế; còn những người đang nộp thuế lại gần như không thay đổi nhiều. Hiện nay có nhiều ý kiến đề xuất thuế TNCN cần giảm từ 7 bậc thuế xuống còn 5 bậc, nhưng nếu chỉ giảm bậc thì mức thuế suất cao nhất vẫn là 35%. Do đó luật này cần phải điều chỉnh toàn diện sao cho mức thuế suất cao nhất xuống còn 30%. Không chỉ với các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công mà cần tính toán lại nhiều đối tượng chịu thuế và nhiều khoản thu nhập khác.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, quy định về thuế TNCN hiện nay có nhiều lạc hậu so với thế giới. Mức giảm trừ gia cảnh là quá thấp so với thu nhập và chi tiêu hiện nay, đặc biệt là người dân ở các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội. Cần thiết phải nâng mức giảm trừ gia cảnh cho cả người nộp thuế và người phụ thuộc.
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, lộ trình đến năm 2025 mới sửa Luật Thuế TNCN là quá chậm trễ. “Tình hình đã thay đổi rất nhiều, Luật Thuế TNCN hiện nay chưa phản ánh được thực trạng cuộc sống. Mức khởi điểm chịu thuế rồi giảm trừ gia cảnh đã không còn phù hợp. Hơn nữa, Luật Thuế TNCN mà không phù hợp cũng không khuyến khích được những người tài năng cống hiến. Tôi cho rằng đến năm 2025 mới sửa luật này là quá chậm trễ, quá lạc hậu" - ông Long nói.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) thì Luật Thuế TNCN từ 2007 đã qua nhiều lần sửa đổi bổ sung, lần gần nhất là năm 2020. Thế nhưng mức điều chỉnh chủ yếu tập trung vào mức giảm trừ gia cảnh và chỉ điều chỉnh khi mức lạm phát đạt đến 20%. Tuy nhiên thực tế mức lạm phát của các năm là hoàn toàn khác nhau, vì thế cần phải dựa vào mức thu nhập tối thiểu của người dân. Trong khi kinh tế tăng trưởng, thu nhập người dân cũng tăng lên, mức sống của người dân trước đây là chỉ cần đủ cơm để ăn, đủ áo để mặc nhưng bây giờ cần phải có tủ lạnh, có tivi, có nhiều thứ khác bổ sung vào cuộc sống... Rõ ràng là các chi phí phải cao hơn nên cần phải tính đó là mức chi tối thiểu. Sau đó mới đến bước tính sức chịu thuế.
Theo ông Thịnh, Luật Thuế TNCN 2007 còn nhiều điều bất cập khác như mức phân chia 7 bậc trong biểu thuế lũy tiến từng phần không tạo ra được sự thay đổi lớn và chưa thật sự hỗ trợ cho người nộp thuế, gây khó khăn cho việc tính toán. Do đó nên điều chỉnh giảm còn 4 - 5 bậc để dễ tính toán và có độ giãn. Thêm một điểm nữa là mức thuế cao nhất hiện là 35%, trong khi ở các nước trong khu vực và trên thế giới mức thuế này đang giảm, chúng ta cũng nên nghiên cứu hạ mức thuế suất xuống một mức hợp lý, khoảng 25%. Ngoài ra khoản thuế TNCN phải nộp cho thu nhập vãng lai cũng cần phải xem xét và điều chỉnh lại. Trong bối cảnh thời đại kinh tế số, chúng ta hoàn toàn có thể linh hoạt để điều chỉnh mức đóng thuế TNCN. Mức giảm trừ gia cảnh bản thân cần tăng lên 17 - 18 triệu đồng, mức cho người phụ thuộc cần tăng lên 8 - 9 triệu đồng thì mới đủ sống, không thể để định mức như bây giờ.
TS Nguyễn Trí Hiếu: Tăng mức giảm trừ gia cảnh để kích cầu tiêu dùng
Trong thời gian 10 năm vừa qua thì mức sống của người dân ở thành thị tăng cao, dĩ nhiên kéo theo đó là giá cả hàng hóa tăng cao. Trong khi đó việc điều chỉnh lương lại chậm hơn nhiều mặc dù đó là điều cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề điều chỉnh lương chỉ là một vế ở trong công thức tính thu nhập sau thuế của người dân có ổn định hay không? Việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh dẫu sao cũng chỉ mới dựa trên những quyết định về ngân sách chứ chưa phù hợp với mức tăng lạm phát. Nhiều mặt hàng có giá tăng cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát được Cục Thống kê công bố. Chính vì thế vấn đề điều chỉnh thuế TNCN sao cho phù hợp với người dân là cực kỳ quan trọng. Cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc tăng lên gấp đôi từ 4,4 triệu đồng lên 8 - 9 triệu đồng. Đây là điều rất có lợi cho người dân để có thể bắt kịp với mức tăng trưởng về lạm phát. Khi đó người dân sẽ có tiền để chi tiêu nhiều hơn, kích thích nền kinh tế.
Bên cạnh đó, với những thuế suất theo những mức lương khác nhau, tôi nghĩ rằng để có một cái kích thích mạnh hơn nữa thì cần một “liều thuốc” đó là giảm thuế suất bình quân, giảm thêm 5% của thuế suất hiện nay cho mỗi mức thu nhập đã định trong Luật Thuế TNCN.