Tăng thu giảm chi, tiết kiệm các khoản để cải cách tiền lương từ 1/7/2024

Việt Thắng 08/11/2023 13:10

Ngày 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn, khép lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 2,5 ngày.

Đặt câu hỏi với Thủ tướng, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, phát triển kinh tế số và xã hội số là xu hướng mà thế giới và Việt Nam cần có giải pháp dài hạn, đột phá, đi tắt đón đầu, sáng tạo để cạnh tranh và phát triển.

“Thủ tướng có những giải pháp mang tính đột phá nào để đưa Việt Nam phát triển trong bối cảnh kỷ nguyên số và cơ hội, lợi thế thách thức đan xen như hiện nay?”-bà Tuyết nêu rõ.

Bên cạnh đó, bà Tuyết cho rằng, Chính phủ đã trình Quốc hội về việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. “Đề nghị Thủ tướng cho biết việc bố trí ngân sách và xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan sẽ được Chính phủ triển khai như thế nào?”-bà Tuyết nói.

Về kinh tế số, theo Thủ tướng hiện nay tăng trưởng trung bình của kinh tế số của chúng ta khoảng 20%/năm. Kinh tế số năm 2023 đạt 17%. Năm 2024 dự kiến đạt 20%. Như vậy nếu đạt được 20% thì sẽ về đích trước 1 năm theo kế hoạch đề ra.

Chính phủ đã ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia, chiến lược về kinh tế số, xã hội số, công dân số, thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Hiện nay đang tiếp tục hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi số, tăng cường lãnh đạo chỉ đạo. Đây là một xu thế, phong trào nên phải có sự tham gia, lãnh đạo chỉ đạo thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. Bố trí nguồn lực để phát triển hạ tầng số. Đặc biệt quan trọng là phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Hiện nay đang xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia kết nối cơ sở dân cư với các ngành để tiến hành chuyển đổi số.

“Hạ tầng công nghệ thông tin quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực. Phải chuyển đổi số trong toàn dân, để người dân tham gia, là chủ thể, trung tâm trong chuyển đổi số. Tập trung chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực như chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn”-Thủ tướng nói.

Trả lời về chính sách tiền lương từ 1/7/2024, Thủ tướng cho biết, tiền lương là vấn đề luôn được Quốc hội, cử tri quan tâm, tiền lương vừa là tái tạo sức lao động, vừa là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia vào hoạt động của mình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trường đường lối của Đảng đã có, và Nghị quyết 27 khoá trước đã được ban hành. Vừa qua chưa thực hiện được do nguồn lực khó khăn vì đại dịch Covid-19, tình hình thế giới và trong nước tác động. Tuy nhiên điều quan trọng là chúng ta đã cố gắng trích lập lương, tăng thu giảm chi, tiết kiệm các khoản hiện nay để có 560 ngàn tỷ đồng chi cho cải cách tiền lương bắt đầu từ 1/7/2024 đến hết năm 2026.

Đồng thời song song với cải cách tiền lương trong khu vực nhà nước, chúng ta cũng thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp. “Sắp tới chúng ta tiếp tục hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo nguồn chi lương cho người lao động”-Thủ tướng nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng thu giảm chi, tiết kiệm các khoản để cải cách tiền lương từ 1/7/2024