Ứng phó với tin giả, tin xấu độc không chỉ là câu chuyện của các cơ quan quản lý, mà còn phải bắt đầu từ việc mỗi người sử dụng mạng xã hội cần tăng cường “sức đề kháng” để có thể tự “miễn dịch” trước thông tin xấu độc.
Sự phát triển của mạng xã hội xuyên biên giới như: Facebook, YouTube, TikTok đã thu hút hàng chục triệu người dùng tại Việt Nam nhưng cũng trở thành môi trường để tin giả, tin xấu lan tỏa, gây nhiều ảnh hưởng đến xã hội.
Mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông - TTTT) đã phối hợp công bố “Chiến dịch Tin” với chủ đề Anti Fake News (chống tin giả). Chiến dịch Tin được triển khai từ tháng 10 - 11/2023 bao gồm các hoạt động chính: Cuộc thi sáng tạo nội dung "Anti Fake News" và Chương trình Tinternet- Nâng cao văn hóa mạng tại Việt Nam. Mục đích hướng tới của chiến dịch này là xây dựng không gian mạng tích cực cho hơn 80 triệu người Việt đang sử dụng Internet hằng ngày.
Theo Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm, hiện nhiều người xem không gian mạng là cuộc sống thứ hai, sáng tạo các nội dung có ảnh hưởng đến cộng đồng. Song song đó, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang ngày càng phát triển ở Việt Nam, cho phép người dùng đăng nội dung miễn phí và khai thác quảng cáo. Điều này cũng góp phần gia tăng tin giả, tin sai sự thật. “Chống tin giả có thêm nhiều diễn biến mới nhưng không thể ngồi chờ mà chúng ta phải có niềm tin vào những người có ảnh hưởng tích cực trên mạng xã hội” - ông Lâm bày tỏ, đồng thời cho biết, hiện các cơ quan quản lý phải đối mặt và xử lý nhiều vấn đề trên không gian mạng, mục đích giúp người dân có một hệ sinh thái số an toàn và lành mạnh. “Chúng tôi nhận thấy việc này không nên làm một mình và không có lý do gì cơ quan nhà nước làm một mình. Phải huy động nguồn lực tiến bộ, những năng lượng tích cực từ các nhà sáng tạo nội dung” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Theo kết quả khảo sát mới nhất từ Công ty Nghiên cứu thị trường DataReportal của Singapore, Việt Nam là một trong số 10 quốc gia có lượng người dùng mạng xã hội nhiều nhất thế giới. Điều đó đặt ra yêu cầu quản lý những nội dung thiếu lành mạnh trên không gian mạng. Cùng với việc ngăn chặn các thông tin xấu độc, tin giả trên mạng xã hội tác động tâm lý của người dùng, thì việc tăng cường những luồng thông tin tích cực đóng vai trò quan trọng. Trong xu hướng các nhà mạng xuyên biên giới chuyển đổi sang mô hình thu tiền người dùng để không phải xem quảng cáo, đặt ra yêu cầu những nhà sáng tạo nội dung muốn thu được tiền cần phải thay đổi quan điểm phục vụ. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, họ sẽ phát huy trách nhiệm xã hội, đồng hành với cơ quan chức năng để lan tỏa giá trị tốt đẹp, chính sách đến người dân theo cách phù hợp nhất. “Tôi kỳ vọng Chiến dịch tin là sân chơi lành mạnh, khuyến khích nhiều người sáng tạo ra những nội dung tích cực mang lại giá trị chung cho cộng đồng. Đó có thể là giá trị kinh tế, thương mại hay giá trị mang tính chất nền tảng quan trọng với xã hội và thế hệ mai sau” - ông Lâm chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) cũng cho rằng, sáng tạo nội dung là một nghề rất mới tại Việt Nam song còn manh mún. Có người chọn làm nội dung sạch nhưng có bộ phận không nhỏ chọn làm nội dung “bẩn” để nhanh nổi tiếng, nhanh kiếm tiền. Thông tin đăng trên Internet lan tỏa rất nhanh, tiếp cận rất nhiều người. Vì vậy tin giả có tác hại rất lớn và đang trở thành vấn nạn toàn cầu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok tại Việt Nam cho rằng, với tiện ích của mạng xã hội, nhiều người thản nhiên chia sẻ những thông tin không chính xác mà không biết nó có thể gây hậu quả khôn lường. Hiện các nền tảng mạng xã hội nói chung đều có nhiều giải pháp để hạn chế tin giả, tin sai sự thật, trong đó có kiểm soát theo mức độ gây thiệt hại. Tuy vậy, ông Thanh cũng nhấn mạnh việc nâng cao kỹ năng số để có bộ lọc tin giả ở tất cả người dùng là mục tiêu quan trọng nhất và trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội là đẩy mạnh hơn nữa việc trang bị kỹ năng số, để người dùng biết và sử dụng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, ứng phó với tin giả, bên cạnh tăng cường các thông tin tích cực, thì mỗi người sử dụng mạng xã hội cũng phải trở thành những người dùng thông thái. Muốn vậy, người dùng cần nâng cao canh giác, nghĩ kỹ trước khi chia sẻ. Bởi nói như ông Lê Quang Tự Do, khi nhận thức của người dân nâng cao sẽ giảm lừa đảo qua nạn tin giả.
Theo kết quả khảo sát mới nhất từ Công ty Nghiên cứu thị trường DataReportal của Singapore, Việt Nam là một trong số 10 quốc gia có lượng người dùng mạng xã hội nhiều nhất thế giới. Điều đó đặt ra yêu cầu quản lý những nội dung thiếu lành mạnh trên không gian mạng. Cùng với việc ngăn chặn các thông tin xấu độc, tin giả trên mạng xã hội tác động tâm lý của người dùng, thì việc tăng cường những luồng thông tin tích cực đóng vai trò quan trọng.