Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học điều chỉnh tổ hợp xét tuyển, xuất hiện thêm những tổ hợp mới có môn Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật, tạo thêm cơ hội cho thí sinh.
Điều chỉnh phù hợp với chương trình mới
Theo quy định, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ thi 4 môn, trong đó hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Hai môn còn lại học sinh tự chọn trong số các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ và Tin học.
Như vậy, từ năm 2025, thí sinh có thể chọn các môn tự chọn Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Đây là những môn lần đầu tiên được đưa vào môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này tăng thêm cơ hội cho học sinh trong việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học.
Tính tới thời điểm này, nhiều trường đại học đã điều chỉnh tổ hợp xét tuyển có môn Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Năm 2025, Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ chia tổ hợp xét tuyển theo từng nhóm ngành, mỗi nhóm có 4 tổ hợp, đều có môn Ngữ văn. Tổng số tổ hợp của trường tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Một số tổ hợp mới sẽ xét tuyển của Học Viện Báo chí và Tuyên truyền gồm: Ngữ văn, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Ngữ văn, Tiếng Anh, Tin học; Ngữ văn, Toán, Tin học; Ngữ văn, Toán, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Ngữ văn, Lịch sử, Tin học; Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đưa môn Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển cho các ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng công trình ngầm đô thị, Quản lý dự án xây dựng, Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng, Kinh tế đầu tư, Kinh tế phát triển, Quản lý xây dựng, Quản lý bất động sản, Quản lý vận tải và logistic.
Tổ hợp xét tuyển có cả môn Công nghệ lẫn Tin học được áp dụng cho ngành Công nghệ thông tin và các chuyên ngành Công nghệ đa phương tiện, Công nghệ game.
Năm nay, Trường Đại học Mỏ - Địa chất tăng gấp đôi số tổ hợp xét tuyển, nâng số tổ hợp xét tuyển từ 4 lên 8 sau khi bổ sung 2 môn Công nghệ và Tin học. Theo đại diện nhà trường, việc bổ sung 2 môn vào tổ hợp xét tuyển ở một số ngành nhằm phù hợp với chương trình phổ thông mới, giúp thí sinh thêm cơ hội vào ngành yêu thích.
Chấn chỉnh các trường sử dụng tổ hợp "lạ"
Bên cạnh các tổ hợp xét tuyển có các môn mới, mùa tuyển sinh năm nay cũng ghi nhận nhiều tổ hợp không có môn học cốt lõi liên quan đến chương trình, ngành đào tạo.
Chẳng hạn như ngành Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) có 4 tổ hợp xét tuyển thì có 2 tổ hợp không có môn Lịch sử là C20 (Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân) và D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh).
Hay Trường Đại học Y Hà Nội tuyển sinh chủ yếu bằng tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) nhưng có hai ngành sử dụng tổ hợp khác là Y tế công cộng - xét bằng khối D01 (Toán, Văn, Anh) và Tâm lý học - xét bằng D01 và C00 (Văn, Sử, Địa).
Việc các trường đưa ra các tổ hợp không có môn học cốt lõi liên quan đến ngành đào tạo khiến thí sinh, phụ huynh băn khoăn, lo lắng về sự thiếu công bằng trong xét tuyển cũng như chất lượng nguồn tuyển.
Trước thông tin phản ánh trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học cho các em học sinh học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo chương trình này, ở bậc THPT học sinh lựa chọn tổ hợp môn theo nhóm kiến thức, có thể không học một số môn học.
Do vậy, để bảo đảm công tác tuyển sinh đại học năm 2025 đúng quy chế, bảo đảm chất lượng đào tạo và công bằng giữa các thí sinh, Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo nghiêm túc thực hiện quy chế tuyển sinh hiện hành, các văn bản hướng dẫn của Bộ.
Bộ lưu ý các trường, với các chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo sử dụng nhiều tổ hợp, phương thức xét tuyển cần rà soát các tổ hợp, phương thức xét tuyển; lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển bảo đảm phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học. Riêng đối với các ngành đào tạo sư phạm, tổ hợp môn xét tuyển hoặc ngưỡng đầu vào phải có yêu cầu cụ thể kiến thức môn học tương ứng.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: “Nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh là độ tin cậy và đánh giá được đúng đầu vào của các ngành, có tính phân loại thí sinh. Nếu một phương thức xét tuyển hay một tổ hợp xét tuyển không đánh giá được năng lực cốt lõi cần có của ngành đó thì các trường cần xem lại”.