Kinh tế

Tăng tốc các dự án trọng điểm

THÀNH LUÂN 05/12/2024 10:00

Ngoài tuyến Metro chuẩn bị đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2024, TP Hồ Chí Minh đã và đang tăng tốc nhiều dự án trọng điểm vào thời điểm cuối năm, gần Tết. Các vướng mắc ở một số dự án “treo” cũng được tháo gỡ, tái khởi động.

cover.jpg
Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM chuẩn bị vận hành cuối năm 2024. Ảnh: Hồng Phúc.

Chờ “lăn bánh” tuyến Metro đầu tiên

Để chào đón tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM đi vào vận hành, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho biết, sẽ miễn phí đi Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trong 30 ngày đầu tiên vận hành thương mại. Hiện nay, tuyến Metro đầu tiên của TPHCM đã hoàn thành 100% khối lượng thi công và đang trong quá trình thực hiện các thủ tục theo quy định để hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại chính thức vào cuối tháng 12/2024. Để chuẩn bị cho công tác vận hành thương mại tuyến Metro số 1, UBND TPHCM đã ban hành giá vé lượt, vé tháng cho các đối tượng hành khách cụ thể. Trong đó, ngân sách thành phố sẽ chi khoảng 15,7 tỷ đồng cho hoạt động vận hành miễn phí và 17,3 tỷ đồng hỗ trợ 17 tuyến xe buýt kết nối vào Metro số 1.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong hai tháng 10 và 11, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã chính thức vận hành chạy thử Metro số 1, sau thời gian đào tạo lý thuyết và thực hành cho nhân viên. Quá trình vận hành tương ứng với gần 50 kịch bản liên quan đến các tình huống khẩn cấp như cháy, nổ, mất điện, ngập nước, mất tín hiệu ở nhiều vị trí khác nhau trên toàn tuyến Metro số 1 (gồm cả phía trên và trong đường hầm). Toàn bộ nhân viên tham gia vận hành của tất cả các vị trí đều được huy động, bao gồm nhân viên lái tàu, lực lượng điều độ ở trung tâm điều khiển, nhân viên nhà ga... Trong khi đó, các đoàn tàu đưa vào vận hành thử đều chạy giống như vận hành thương mại, với khoảng cách giữa các chuyến tàu là 4 phút 30 giây/chuyến. Trước đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố cũng đã ký kết các thỏa thuận với nhà thầu Hitachi và các nhà thầu xây dựng về việc dùng các thiết bị đào tạo và vận hành thử.

Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM được khởi công từ năm 2012, với tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Sau khoảng 12 năm triển khai, tuyến Metro số 1 đã hoàn tất xây dựng 11 ga trên cao, 3 ga ngầm, dự kiến sẽ phục vụ khoảng 39.000 lượt khách mỗi ngày trong giai đoạn 2025-2027. Lãnh đạo TPHCM đặt nhiều kỳ vọng vào dự án, để giảm tải áp lực giao thông cho khu vực TP Thủ Đức nói riêng và hạ tầng kết nối phía Đông thành phố, với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trao đổi với báo chí, TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM nhận định, năm 2024 đánh dấu bước chuyển mình rất đáng ghi nhận của ngành giao thông TPHCM khi đã cởi bỏ được rào cản mặt bằng và vốn để khởi công hàng loạt công trình trọng điểm, đưa nhiều dự án hoàn thành như: Cầu Nam Lý (TP Thủ Đức); Rạch Đỉa, Phước Long (huyện Nhà Bè); Bà Hom (quận Bình Tân); Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ),… cùng nhiều dự án mở rộng đường như Tân Kỳ Tân Quý, Tên Lửa, Đồng Văn Cống,... đưa vào khai thác trong năm nay, tạo sự đồng bộ trong sự phát triển chung về hạ tầng giao thông TPHCM.

Song song đó, mạng lưới giao thông liên vùng nối TPHCM đang được triển khai mạnh mẽ để hoàn thành trong giai đoạn trước năm 2030. Trong đó, đường vành đai 3 dự kiến hoàn thành cuối năm 2025 và đầu năm 2026. Khi hoàn thành, tuyến đường trọng điểm này sẽ kết hợp với cao tốc Bến Lức - Long Thành (cũng sẽ đưa vào khai thác một số đoạn tuyến cuối năm 2024 và đầu năm 2025) tạo nên vòng tròn hoàn chỉnh kết nối TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An.

ảnh chính
Công trường dự án thành phần thuộc đường Vành đai 3 TPHCM (kết nối Thủ Đức và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Hồng Phúc.

Tái khởi động nhiều dự án “treo”

Việc để tồn đọng, thi công kéo dài nhiều siêu dự án “treo” là một trong những “điểm đen” nhức nhối mà chính quyền đô thị TPHCM phải “đau đầu” tìm giải pháp khắc phục suốt nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa hiệu quả.

Hiện nay, UBND TPHCM phân loại các nhóm dự án “treo” và phân công cho Chủ tịch và các Phó Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo giải quyết các tồn đọng, tránh lãng phí, thất thoát. Trong đó, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM trực tiếp theo dõi, chỉ đạo giải quyết 10 dự án lớn. Trong đó, ưu tiên giải quyết hàng đầu cho các nhóm dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến Vành đai 2; giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Ngoài ra, các Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng được giao theo dõi, chỉ đạo thực hiện nhiều dự án “treo” đã kéo dài từ 20-30 năm qua chưa hoàn thành. Riêng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Ngọc Hải theo dõi, chỉ đạo thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, các vụ án, bản án. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện các kết luận liên quan đến nhiều khu đất “vàng” tại trung tâm Quận 1 và Dự án đô thị Sing - Việt tại huyện Bình Chánh (TPHCM). Đối với nhóm các dự án công, vốn trở thành “điểm đen” trong đầu tư xây dựng hạ tầng của đô thị “đầu tàu” kinh tế cả nước cũng được yêu cầu đôn đốc, quyết liệt tìm hướng giải pháp trước thời điểm thành phố kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam. Trong đó, đôn đốc việc đầu tư, nâng cấp đối với 10/12 rạp hát không đủ điều kiện tổ chức biểu diễn, gây lãng phí cơ sở vật chất suốt nhiều năm qua.

Ghi nhận tại Dự án cầu Rạch Đỉa kết nối các quận trung tâm với khu vực phía Nam TPHCM vừa được thông xe, tình trạng kẹt xe đã hoàn toàn được giải quyết vào giờ cao điểm. Chia sẻ về việc tăng tốc để kịp đưa vào vận hành cầu Rạch Đỉa, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) cho biết, công trình được khởi công từ tháng 7/2023, với 9 nhịp cầu, cùng hệ thống thoát nước, chiếu sáng và cây xanh. Dự án đặc biệt quan trọng này được đưa vào vận hành ngay thời điểm năm hết, Tết đến, đã góp phần giảm ùn tắc giao thông và góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng kinh tế phía Nam của TPHCM. Cũng theo đại diện Ban Giao thông TPHCM, sau cầu Rạch Đỉa, thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi thường cầu Rạch Tôm và đang chờ UBND TPHCM điều chỉnh quy hoạch để làm cầu Rạch Rơi. Các công trình này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối TPHCM với tỉnh Long An qua huyện Nhà Bè và Quận 7. Các công trình được đưa vào sử dụng sẽ tạo động lực cho toàn bộ khu vực phía Nam phát triển kinh tế, xã hội và thuận lợi để liên kết vùng.

Giới chuyên gia nhận định, các dự án đường vành đai, cao tốc kết nối TPHCM với các vùng đã được thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ những năm gần đây. Khi hoàn thành sẽ tạo ra bộ khung giao thông liên vùng, góp phần rút ngắn thời gian đi lại, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tranh thủ nội lực để phát triển

Ảnh 1-Ông Trần Du Lịch

Tại tọa đàm “TPHCM làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” vừa tổ chức tại TPHCM, TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 nhấn mạnh, để giữ vững vai trò “đầu tàu” cả nước trước hết TPHCM cần thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 31 và Nghị quyết 24 của Trung ương, lấy đây làm định hướng phát triển. Với nội lực hiện tại và cơ chế đặc thù của các Nghị quyết, ông Lịch tin tưởng TPHCM là nơi có điều kiện tốt nhất để chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới nhanh và bền vững. Trong đó, giai đoạn 2026-2035 là thời điểm có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển của cả TPHCM và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là giai đoạn để TPHCM bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nhìn thẳng sự thật, khắc phục “điểm nghẽn”

Ảnh 2-Ông Phạm Chánh Trực

Ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM chỉ ra 3 “điểm nghẽn” lớn nhất khiến TPHCM chậm đà phát triển, bao gồm các bất cập về hạ tầng giao thông, tình trạng kẹt xe, ngập và bất cập trong xử lý rác thải và yếu kém trong giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là người thu nhập thấp. Theo ông Trực, một đô thị đặc biệt, với hơn 13 triệu dân thì không thể có mạng lưới giao thông đô thị hiện đại, với hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh, hạn chế xe cá nhân... Nếu còn nghẽn ở đây thì TPHCM còn vướng víu và chậm chạp trong những năm tiếp theo. Muốn giải quyết, TPHCM phải thể hiện được quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân trong các giai đoạn phát triển tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng tốc các dự án trọng điểm